Cần nhiều hơn nỗ lực của ngân hàng và doanh nghiệp

Theo daibieunhandan.vn

Doanh nghiệp than khó tiếp cận vốn. Ngân hàng thanh khoản dồi dào và phải cạnh tranh quyết liệt cũng không dám hạ chuẩn tín dụng để đẩy vốn ra. Câu chuyện tín dụng tăng trưởng chậm là một khó khăn của cả hai đối tượng ngân hàng và doanh nghiệp. Vì vậy, các giải pháp chỉ trong phạm vi hệ thống ngân hàng thương mại sẽ không đầy đủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng trưởng tín dụng vẫn thấp

Tính đến ngày 30/4/2013, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), dư nợ tín dụng giảm 0,3% so với cuối năm 2012, đà giảm đã chậm lại sau khi giảm mạnh trong tháng 1/2013.  Mức tăng trưởng tín dụng thấp so với mục tiêu định hướng chủ yếu do một số nguyên nhân.

Môi trường kinh tế vĩ mô khó khăn kéo dài, sức cầu yếu, tồn kho sản phẩm lớn nên các doanh nghiệp chỉ vay vốn để duy trì sản xuất mà không tăng trưởng, dẫn đến nhu cầu tín dụng không gia tăng. Ngoài ra, các dự án đầu tư cho sản xuất kinh doanh hay mở rộng hạ tầng mới không có nhiều nên dư nợ tín dụng trung dài hạn giảm do thu nợ.

Mặt khác, từ đầu năm đến nay, việc áp dụng Thông tư số 37/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay ngoại tệ đã làm cho dư nợ cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các đối tượng nhập khẩu không có nguồn thu giảm dần.

Đến cuối tháng 4/2013, dư nợ ngoại tệ tại Vietcombank giảm 15,4% so với cuối năm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc dè dặt trong sử dụng vốn vay ngân hàng do tâm lý còn muốn chờ đợi lãi suất cho vay giảm hơn nữa.

Khó tiếp cận vốn do khả năng hấp thụ vốn yếu

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, nguồn cung tín dụng dồi dào, mặt bằng lãi suất vay thấp, thậm chí các ngân hàng còn cạnh tranh gay gắt để cho vay khách hàng tốt nhưng doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng khó tiếp cận vốn ngân hàng. Điều này cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp giảm sút hoặc không đủ điều kiện vay vốn.

Một số chỉ tiêu về tín dụng của Vietcombank có thể chưa mang tính đại diện cao, nhưng phần nào thể hiện hiện trạng của nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp hiện nay: tăng trưởng tín dụng theo ngành kinh tế chậm lại ở các ngành công nghiệp sản xuất/chế tạo, năng lượng, chế biến xuất khẩu, thương mại phục vụ sản xuất nông nghiệp; nợ xấu và tỷ lệ tổn thất cao tập trung ở một số ngành mũi nhọn như thép, vận tải biển/đóng tàu, cà phê…; các chỉ số về hoạt động của doanh nghiệp (hàng tồn kho, vòng quay vốn…) bị ảnh hưởng lớn bởi khủng hoảng kinh tế và chỉ số nợ có chiều hướng tăng.

Tuy tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, thanh khoản ổn định, nhưng Vietcombank cũng không hạ chuẩn tín dụng để đẩy tín dụng ra, vì nếu hạ chuẩn tín dụng, đưa vốn ra quá dễ dàng đối với doanh nghiệp ốm yếu thì cũng chỉ duy trì hoạt động của doanh nghiệp ở trạng thái tạm thời, không có tác dụng bền vững, ảnh hưởng tới tính lành mạnh và sức khỏe của cả nền kinh tế cũng như tác động xấu tới chất lượng danh mục tín dụng của ngân hàng.

Cần nỗ lực từ hai phía

Để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Vietcombank luôn duy trì mức lãi suất hợp lý và cạnh tranh trên thị trường; liên tiếp triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 2 - 3%/năm đối với khách hàng tốt.

Một số chương trình cho vay ưu đãi lãi suất hiện đang được Vietcombank triển khai như: chương trình cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân 2012 – 2013 (đã giải ngân trên 2.000 tỷ đồng); chương trình cho vay ưu đãi VNĐ (quy mô 30.000 tỷ đồng); chương trình cho vay ưu đãi USD (quy mô 700 triệu USD); chương trình 5.000 tỷ đồng – lãi suất cho vay thấp nhất 11%/năm đối với sản phẩm kinh doanh tài lộc và khoản vay mua nhà, xây hoặc sửa chữa nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê của cá nhân…

Các chương trình ưu đãi lãi suất này đều được thông báo rộng rãi, thủ tục, hồ sơ vay vốn cũng đã được tiết giảm tối đa và đăng tải công khai. Mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và vướng mắc trong quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng đòi hỏi nỗ lực hơn nữa từ cả hai phía. Về phía ngân hàng, chủ động tiếp xúc với khách hàng, tìm kiếm khách hàng tốt thông qua chính sách khách hàng hợp lý (bao gồm cả việc giảm lãi suất và hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn); tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn như cơ cấu lại nợ, tính toán lại vòng quay vốn lưu động, miễn và giảm lãi vốn vay… đối với doanh nghiệp có khả năng phục hồi trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng; thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực tài chính và quản trị…

Về phía doanh nghiệp, cần lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào các mảng sản xuất kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền bền vững; nghiên cứu các biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh; tái cấu trúc kinh doanh theo hướng mạnh dạn cắt bỏ những dự án đầu tư, những hoạt động kinh doanh không cấp thiết, chưa hiệu quả, nhằm củng cố nguồn lực tài chính và quản trị cho các mảng sản xuất kinh doanh chính…

Thực tế tình trạng khó khăn hiện nay không phải chỉ đối với doanh nghiệp mà là khó khăn hai trong một - của cả ngân hàng và doanh nghiệp. Vì vậy, các giải pháp chỉ trong phạm vi hệ thống ngân hàng thương mại sẽ không đầy đủ. Theo đó Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý hàng tồn kho; hoàn thiện khung pháp lý đối với các hoạt động mua bán nợ, mua bán tài sản đảm bảo; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp; có chính sách kích cầu tiêu dùng và trợ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị kinh doanh.