Cần sớm thực hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một trong những giải pháp tối ưu nhằm giảm gánh nặng của quỹ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh quỹ này đang có nguy cơ mất khả năng chi trả vào năm 2030.

Cần sớm thực hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một trong những giải pháp tối ưu nhằm giảm gánh nặng của quỹ bảo hiểm xã hội. Nguồn: internet

Nhận định nói trên của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội thảo “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động”, diễn ra sáng nay (30/7), nhận được sự đồng tình của nhiều diễn giả.

Theo đó, ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, sự cần thiết thực hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam được xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, thể hiện ở nhu cầu đa dạng hoá nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống người nghỉ hưu của người lao động, giảm áp lực đối với hưu trí cơ bản và ngân sách nhà nước.

“Bảo hiểm hưu trí tự nguyện càng sớm triển khai càng tốt vì việc trì hoãn sẽ làm cho việc đảm bảo cuộc sống người nghỉ hưu khó khăn hơn”, ông Giang nhấn mạnh.

Ông khẳng định, đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện bởi hiện Việt Nam đang có cơ cấu “dân số vàng”, với lực lượng lao động hơn 58% dân số, đến 2020, con số này là gần 62%, tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2013 khoảng 2.000 USD/người/năm.

Cơ sở vật chất hạ tầng để thực hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện đã sẵn sàng với 46 công ty quản lý quỹ, 9 ngân hàng có chức năng giám sát, các tập đoàn, doanh nghiệp bảo hiểm.

Chia sẻ thêm, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, hiện nay nước ta có 2,3 triệu người hết khả năng lao động được hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí của bảo hiểm xã hội chiếm 21% lớp người hết tuổi lao động.

Như vậy, còn có đến 8,6 triệu người chưa có lương hưu chiếm 79% lớp người hết tuổi lao động, vô hình chung đưa 79% này thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Quyền lợi bảo hiểm hưu trí tự nguyện được nhận khi người được bảo hiểm đạt đến tuổi nhất định ghi trong hợp đồng bảo hiểm nhưng nam > 60 tuổi, nữ > 55 tuổi. Mỗi người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm hưu trí cá nhân hoặc nhóm đều có một tài khoản riêng theo dõi phí bảo hiểm đã đóng, lãi tích lũy và quyền lợi được trả. Tạo ra sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa nghĩa vụ đóng góp và quyền lợi được hưởng.

Đặc biệt, khi quỹ bảo hiểm xã hội hiện hành đang có nguy cơ mất khả năng chi trả vào năm 2023, trong khi Dự thảo về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi còn chưa được thông qua thì việc ra đời của bảo hiểm hưu trí tự nguyện được đánh giá là một cú huých trên thị trường bảo hiểm.