Cần sửa đổi các quy định để ngăn chặn gian lận trong hoàn thuế Giá trị gia tăng
(Tài chính) Thời gian qua, việc gian lận trong hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng xuất khẩu (XK) xuất hiện tại địa bàn các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh giáp biên giới với Campuchia.
Mặc dù từ năm 2012, ngành Hải quan đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát nhưng tình hình gian lận trong hoàn thuế GTGT vẫn diễn biến phức tạp. Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có việc các doanh nghiệp (DN) lợi dụng các kẻ hở trong quy định để gian lận, trục lợi từ tiền ngân sách Nhà nước.
Theo kết quả thu thập thông tin của các đơn vị thuộc ngành Hải quan đã xác định một số đối tượng xuất khống hàng hóa; quay vòng hàng hóa, ngoại hối… để hợp thức hóa hồ sơ hoàn thuế. Thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng quy định thuận lợi trong việc thành lập, giải thể DN để thành lập các DN chuyên XK hàng thuộc diện hoàn thuế GTGT.
Các DN gian lận còn sử dụng các thủ đoạn để trốn tránh kiểm tra hải quan trong quá trình làm thủ tục đối với hàng hóa XK như khai báo hàng hóa XK có số lượng lớn hơn thực tế; khai hàng hóa có giá trị cao hơn hàng hóa thực tế, khai báo lô hàng được phân luồng Xanh, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, không loại trừ việc xuất khống hàng hóa.
Ngoài ra, các DN còn lợi dụng quy định về tự in ấn và sử dụng hóa đơn để dễ dàng hợp thức hóa cho nguồn gốc của các lô hàng XK; lợi dụng quy định cho phép người nước ngoài mở tài khoản vãng lai để thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) bằng đồng Việt Nam để gian lận trong hoàn thuế GTGT.
Trước những diễn biến phức tạp, quy mô, mức độ vi phạm nghiêm trọng của việc gian lận hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa XK và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu đã xác lập và đấu tranh với một số chuyên án gian lận hoàn thuế GTGT để đấu tranh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các công ty có dấu hiệu. Kết quả đã ra quyết định khởi tố vụ án đối với Công ty Phú Phú An (An Giang), chuyển cho cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Hải quan các tỉnh cũng yêu cầu các Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện đúng quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, phân công trách nhiệm rõ ràng tới các cán bộ, công chức, các khâu nghiệp vụ trong quá trình làm thủ tục đối với hàng hóa XK thuộc diện hoàn thuế GTGT, nghiêm cấm hành vi móc nối, tiếp tay cho DN xác nhận khống thực xuất hàng hóa.
Các đơn vị cũng thực hiện kiểm tra 100% hàng XK qua biên giới đất liền; kiểm tra thực tế hàng hóa tại địa điểm tập kết hàng hóa để bốc xếp lên phương tiện hàng hóa XK. Có địa phương thành lập Tổ đặc nhiệm trực tiếp đến cùng với Chi cục Hải quan cửa khẩu kiểm tra thực tế hàng hoá thực xuất, phối hợp với các lực lượng chức năng (Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường) tăng cường ngăn chặn, bắt giữ đối với những lô hàng XK có dấu hiệu quay vòng, thẩm lậu trở lại nội địa. Kết quả, có nhiều DN giảm kim ngạch XK và không còn hoạt động XK.
Tuy nhiên, về lâu dài, Hải quan các địa phương kiến nghị cần thay đổi các quy định về thanh toán qua ngân hàng của DN, cấp phép thành lập DN, vấn đề sử dụng hoá đơn chứng từ nhằm hạn chế các kẻ hỡ để DN lợi dụng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.
Quy định XNK hàng hóa theo hợp đồng thương mại phải thanh toán bằng USD, chuyển khoản qua hệ thống Ngân hàng hoặc thanh toán bằng hình thức L/C. Chỉ cho phép thanh toán tiền mặt VND đối với hàng hóa XNK của cư dân biên giới. Khách xuất, nhập cảnh được mang VND, USD, tiền của nước có chung đường biên giới... vượt định mức phải khai báo, chỉ được phép ở mức độ đủ nhu cầu cho mục đích chuyến đi, không được dùng để nộp vào tài khoản vãng lai nhằm mục đích thanh toán tiền mua hàng từ DN của Việt Nam.
Về vấn đề sử dụng hóa đơn, chứng từ, cần sớm sửa đổi quy định cho phép DN tự in hóa đơn theo Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Thực tế cho thấy nhiều DN đã lợi dụng để thành lập công ty rồi tự in hoá đơn bán kiếm tiền sau đó bỏ trốn, giải thể không theo quy định. Việc sửa đổi cần đảm bảo theo hướng quy định chặt chẽ về điều kiện in hóa đơn, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn tự in, phân loại mức độ rủi ro của DN để cho phép sử dụng hóa đem tự in hay sử dụng hóa đơn do cơ quan Thuế phát hành.
Liên quan đến việc cấp phép thành lập DN, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản quy định cụ thể cho các Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc thẩm định, kiểm tra và cấp phép thành lập DN... Tránh tình trạng cho phép thành lập một DN dễ dàng như hiện nay. Trước khi cấp phép phải có sự thẩm định về nguồn vốn, năng lực thật sự, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kho bến bãi...
Ngoài ra, Cục Hải quan các địa phương cũng kiến nghị giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan cần xây dựng Quy chế phối hợp riêng trong việc phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin và cảnh báo nghiệp vụ cho nhau từ cấp Tổng cục xuống cấp Chi cục, đồng thời qua Quy chế cần gắn trách nhiệm trước pháp luật và Bộ Tài chính của 2 lực lượng để tạo hành lang pháp lý vững chắc trong việc thực hiện thu ngân sách Nhà nước, chống thất thu ngân sách.