Cần thận trọng với tăng lãi suất năm 2016
Lãi suất huy động trên thị trường đang có xu hướng tăng trên diện rộng. Một mặt bằng lãi suất cao hơn đang đe dọa phá vỡ thành quả nỗ lực hạ thấp lãi suất cho vay trong nhiều năm qua của ngành ngân hàng.
Thực tế cho thấy, từ ngày 14/6, một số ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ (VietCapital Bank, Eximbank, TPBank…) đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài thêm 0,7% so với cuối năm 2015. Ngày 1/7, VPBank đã tăng lãi suất cho hầu hết các kỳ hạn (tăng 0,3% cho kỳ hạn 5-12 tháng; tăng 0,2% và 0,1% cho các kỳ hạn 13 và 15 tháng). Vietcombank cũng vừa tăng 0,1% đối với các kỳ hạn 3, 6 và 9 tháng...
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng trở lại với biên độ từ 0,4-0,6% ở cả ba loại kỳ hạn (kỳ hạn qua đêm tăng 0,65%; kỳ hạn 1 tuần tăng 0,63%; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,41%). Về triển vọng, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số NHTM nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn..
Lãi suất là giá của tiền và tùy thuộc mức lạm phát, quan hệ cung - cầu về tiền và tín dụng, mức độ cạnh tranh thị trường và can thiệp của nhà nước, cũng như “tự ý thức” và khả năng đa dạng hóa nguồn thu ngoài dịch vụ tín dụng truyền thống của các ngân hàng thương mại.
Một trong các nguyên nhân tăng lãi suất huy động do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN (theo đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm xuống 50% thay vì mức 60% kể từ 1/1/2017, và xuống 40% từ 1/1/2018, khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng đáng kể trong bối cảnh tín dụng trung, dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn).
Năm 2016, áp lực lạm phát tăng cao hơn 2015 cả về lạm phát tiền tệ (tăng phương tiện thanh toán và nới lỏng tín dụng), lạm phát chi phí đẩy (tăng lương, giá dịch vụ công…) và lạm phát cầu kéo (tăng cầu từ các nhà thu mua nước ngoài để xuất khẩu và giảm cung trong nước do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường). Áp lực tăng lạm phát này, dù muốn hay không, ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp đang và sẽ tiếp tục tạo áp lực tăng lãi suất tín dụng cả huy động và cho vay.
Năm 2016, tín dụng ngoại tệ bị hạn chế và tiền gửi doanh nghiệp và cá nhân bằng USD đều về 0%. Điều này đã trực tiếp làm tăng nhu cầu tín dụng quốc gia bằng VND (tín dụng bằng VND trong nửa đầu năm 2016 đã tăng 8,11% so cuối năm 2015, tăng 22,95% so cùng kỳ năm trước và chiếm 90,8% tổng tín dụng nền kinh tế). Cầu tín dụng tăng, trong khi thu nhập người dân ít đột biến, khiến các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động, nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng thị trường.
Lãi suất huy động tăng và chi phí, lợi nhuận ngân hàng cao sớm muộn sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng. Không gian chính sách giảm lãi suất cho vay tùy thuộc quan trọng vào việc các ngân hàng chịu cải cách, thu hẹp giãn cách lãi suất huy động - cho vay, tiết giảm lợi nhuận từ tín dụng và tăng thu từ đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ khác của chính mình.
Bài toán lợi ích này không dễ giải, nếu chỉ phó mặc cho bản thân ngân hàng ‘tự xử” và thiếu áp trần lãi suất cho vay phù hợp (đáng ghi nhận là quán triệt Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, BIDV, Vietcombank, VietinBank, SHB... đã công bố áp trần lãi suất cho vay trung dài hạn ở mức 10%/năm).
Trong bối cảnh thế giới đang kéo dài chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm thiểu lãi suất cho vay, thậm chí nhiều nước đang có chính sách lãi suất âm để kích thích tiêu dùng và đầu tư, tăng động lực phát triển nền kinh tế, thì xu hướng tăng lãi suất ngân hàng ở Việt Nam là khá lạc lõng.
Đồng thời, động thái này cho thấy sự thiếu liên thông với thị trường vốn thế giới của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt, điều này trực tiếp và gián tiếp chất thêm gánh nặng chi phí kinh doanh cho khu vực doanh nghiệp, thậm chí tăng nguy cơ bổ sung và tích tụ thêm gánh nặng nợ xấu mới từ các khoản vay lãi suất cao cho chính bản thân ngân hàng - chủ nợ.
Thực tế thị trường cũng cho thấy, tăng lãi suất huy động luôn có lợi cho người dân và tiết kiệm; nhưng tăng lãi suất cho vay chỉ có lợi và là cách thức cần thiết khi nó có tác dụng ngăn chặn các khoản vay đầu cơ, kinh doanh chụp giật, rủi ro cao. Hài hòa lợi ích giữa các ngân hàng và doanh nghiệp, người vay - người cho vay luôn là lời giải tối ưu trong mọi trường hợp. Đây còn là điều kiện tốt cho tăng trưởng kinh tế trong mọi thời kỳ nhất định. Lãi suất tốt không có nghĩa là duy trì bất biến, mà vận động “có lên – có xuống”, nhưng phù hợp sức chịu đựng của doanh nghiệp trong so sánh tương quan lãi suất chung trên thế giới, bảo đảm quan hệ cung - cầu thị trường lành mạnh, có sự điều tiết tích cực của nhà nước và kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác...
Có thể nói, tăng lãi suất như là mặt trái không mong muốn của chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước và đi ngược lại mong muốn giảm lãi suất cho vay của bản thân ngân hàng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nỗ lực giảm lãi suất cho vay ít nhất 1% trong năm 2016 cho khu vực doanh nghiệp. Điều này một lần nữa tô đậm thêm nguyên tắc bất kỳ chính sách nào cũng luôn có tính hai mặt và chủ động các kịch bản phòng tránh những tác động mặt trái không mong muốn là cần thiết khi xây dựng và điều hành chính sách vĩ mô...