Cần thiết gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Bộ Tài chính vừa có tờ trình trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tham gia ý kiến về Dự thảo Nghị định, nhiều bộ, ngành, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đều ủng hộ và cho rằng việc ban hành chính sách này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Tại Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2021, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 và tháng 11/2021 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Cụ thể, thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021. Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11/2021 chậm nhất là ngày 30/12/2021.
Việc gia hạn áp dụng đối với trường hợp kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn và áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thực hiện kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Theo Bộ Tài chính, với phương án đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nêu trên, tổng số tháng sẽ gia hạn là 2 tháng, theo đó tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 4.400 tỷ đồng.
Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị định, các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn toàn ủng hộ đề xuất này của Bộ Tài chính và cho rằng cần thiết phải thực hiện chính sách này để hỗ trợ doanh nghiệp.
Gửi ý kiến tham gia về Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cho rằng, việc Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước là cần thiết và phù hợp với thẩm quyền. Dự thảo phù hợp với chủ trương xây dựng chính sách nhằm khắc phục tác động của dịch COVID-19 nêu tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phù hợp với giải pháp thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại Kết luận số 77-KT/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ.
Nhất trí về sự cần thiết phải ban hành nghị định nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay theo tinh thần Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ, theo Bộ Ngoại giao, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước kể cả các liên doanh sản xuất lắp ráp tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chính sách gia hạn này. Chính sách này giúp doanh nghiệp tạm thời có thêm nguồn vốn để duy trì và mở rộng sản xuất cũng như hỗ trợ người lao động.
Bộ Ngoại giao cho biết, việc gia hạn nộp thuế lần này cũng có thể tạo ra quan ngại, phản ứng từ các đối tác liên quan các quy định về đối xử quốc gia của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Tuy nhiên, khả năng bị khởi kiện là không cao do thời gian áp dụng của biện pháp là rất ngắn. Trên thực tế, nhiều quốc gia khác cũng đã áp dụng các biện pháp đề hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Bộ Công Thương cũng ủng hộ và nhất trí đối với các nội dung tại Dự thảo Nghị định. Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh sản xuất lắp ráp ô tô trong nước tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt khi sản xuất xe thành phẩm. Vì vậy, việc Bộ Tài chính trình Chính phủ Nghị định này theo trình tự thủ tục rút gọn là cần thiết để hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp giảm gánh nặng về tài chính. Đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, theo VCCI, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước thông qua các thuế, phí, dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp ô tô còn tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việc duy trì sản xuất ô tô thành công tại Việt Nam cũng tiếp tục là cơ hội cho việc chuyển giao dần các công nghệ đa dạng, tiên tiến liên quan đến công nghiệp ô tô. Bên cạnh đó, nhụ cầu sản xuất mới, sửa chữa các phương tiện phục vụ cho an ninh, quốc phòng với số lượng khá lớn và đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật ngày càng cao chỉ có ngành công nghiệp ô tô phát triển mới đáp ứng được.
VCCI cho rằng, vì vai trò và tầm quan trọng như vậy, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, đặc biệt là khi các doanh nghiệp này gặp khó khăn thông qua các chính sách hỗ trợ về thuế, phí ngay từ năm 2020 như: chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2020, giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, thực hiện chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô… VCCI hoan nghênh đề xuất của Bộ Tài chính và thống nhất với chính sách gia hạn này để hỗ trợ doanh nghiệp.
Các bộ và VCCI cũng đóng góp thêm các ý kiến để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, ngành, tổ chức có liên quan, Bộ Tài chính đã rà soát, hoàn thiện về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có tờ trình trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2021.