Cần thiết phải quy định toàn diện, thống nhất việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công?


Ngày 10/04/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việc xây dựng và ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các vấn đề liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công, tạo công bằng, minh bạch trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), Nghị định mới đã thống nhất được các nội dung sau:

Một là, đã cụ thể hóa các chủ trương, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị SNCL và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là: Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, các nội dung đã được đổi mới cơ bản về giá và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để đơn vị SNCL và có thể tiến tới hạch toán đầy đủ, từ đó chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Đối với các loại hình dịch vụ sự nghiệp công, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN), sẽ do Nhà nước ban hành danh mục dịch vụ và định giá.

Từ đó, quy định về lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đã đưa ra phương án phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân. Qua đó, đổi mới phương thức giao dự toán chi thường xuyên từ ngân sách cấp cho các đơn vị SNCL sang thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo kết quả nhiệm vụ.

Dựa trên hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công, từ đó có đơn giá dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu  cho đơn vị SNCL và lấy đó làm nguồn thu để chi cho hoạt động thường xuyên…

Hai là, căn cứ theo các quy định đã được ban hành gồm: Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL trong các lĩnh vực khác, trong đó có quy định các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh căn cứ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá được duyệt để lựa chọn đơn vị SNCL cung ứng dịch vụ theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định.

Như vậy, trên có sở Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các Nghị định nêu trên, cần có quy định về đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị SNCL thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN cho phù hợp với cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL.

Ba là,  Nghị định số 32/2019/NĐ-CP được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các nội dung phù hợp tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 Thủ tướng Chính phủ về quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN.

Đồng thời, Nghị định cũng khắc phục những tồn tại, hạn chế, chồng chéo trong các quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg (như trùng lắp nguồn kinh phí chi thường xuyên cho cùng một nội dung; một danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN nhưng lại có hai khái niệm khác nhau và tổ chức thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng khác nhau...).

Việc ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành, cụ thể: Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Luật Đấu thầu năm 2013; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/2/2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Các văn bản hiện hành khác liên quan đến đổi mới đơn vị SNCL, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công,  với mục tiêu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của Nhà nước.