Cẩn trọng với thủ đoạn làm sổ đỏ giả để lừa đảo
Thời gian qua, trong nước xảy ra nhiều vụ việc các đối tượng sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thu lợi trái phép nhiều tỷ đồng.
Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác trong các giao dịch mua bán nhà đất; các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn.
Cuối tháng 11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động liên tỉnh, lừa đảo bằng thủ đoạn làm sổ đỏ giả, đánh tráo sổ thật mang đi chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng do Lưu Hoàng Hải (trú tại quận 6, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu, đã thu thập thông tin cá nhân, sổ đỏ của người khác, rồi sử dụng nhiều số điện thoại, tên giả để liên hệ chủ nhà đất và đến xem nhà, đất.
Lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu, chúng đánh tráo sổ thật bằng sổ giả đã được chuẩn bị từ trước rồi làm giả giấy tờ tùy thân của chủ đất để ủy quyền, chuyển nhượng cho người khác. Với thủ đoạn nêu trên, nhóm đối tượng đã thực hiện 4 vụ đánh tráo 6 sổ đỏ đem sang nhượng, cầm cố, chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng. Đây là một trong rất nhiều vụ việc làm giả sổ đỏ để chiếm đoạt tài sản diễn ra trong thời gian vừa qua.
Thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, lại hoạt động theo từng nhóm, phân chia công việc rõ ràng. Các loại giấy tờ giả chúng sử dụng đều rất giống thật, từ mầu sắc, cỡ chữ cho đến con dấu..., dễ dàng qua mặt văn phòng công chứng. Sau khi phạm tội, các đối tượng thường vứt bỏ số điện thoại đã sử dụng để liên lạc với nạn nhân. Thông thường, một thời gian sau đó người mua mới phát hiện mình bị lừa bằng sổ đỏ giả. Lúc đó cũng không còn nhiều thông tin về đối tượng lừa đảo để cung cấp cho cơ quan công an.
Theo cơ quan công an một số địa phương vừa triệt xóa được các đường dây làm sổ đỏ giả, sở dĩ hoạt động phạm tội này ngày càng diễn ra nhiều là do giấy tờ giả hiện nay được làm rất dễ dàng. Bất cứ ai cũng có thể đặt làm sổ đỏ giả qua lời giới thiệu, chào mời trên các trang web hay mạng xã hội. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, trên internet có rất nhiều website công khai nhận làm các loại giấy tờ, đặc biệt là sổ đỏ. Trên website http://lamsohong... đăng quảng cáo: “Nhận làm sổ hồng, sổ đỏ, sổ tiết kiệm, sổ hộ khẩu phôi thật tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, toàn quốc giá rẻ” với cam kết: “Phôi thật, tem chuẩn, chính xác từ phông chữ đến kích cỡ, chữ ký sống 100%...”.
Một website khác có tên http://lambangnhanh... khẳng định sổ đỏ làm giống thật 99,99%, kèm cam kết khách hàng dùng các thiết bị soi chiếu để kiểm tra cũng không thể phát hiện được thật, giả. Phóng viên thử liên hệ với số điện thoại tại một website nhận làm sổ đỏ, phải rất nhiều lần gọi điện, đầu dây bên kia mới bắt máy. Khi đặt vấn đề muốn làm giả giấy tờ, người nghe điện lập tức từ chối và khẳng định: “Bọn em không có dịch vụ đó!”. Sau nhiều lần gọi điện, phóng viên cho biết là đang rất cần sổ và “đắt mấy cũng phải làm”.
Lúc này, đầu dây bên kia hỏi rất kỹ thông tin cá nhân, mục đích làm sổ giả rồi mới dè dặt nhận lời sẽ “làm giúp” với giá 10 triệu đồng/sổ. Sau đó, người này đề nghị gửi thông tin cần in trên sổ, địa chỉ để gửi hàng. Khi phóng viên đề nghị gặp trực tiếp và muốn xem qua một số sổ đỏ được làm giả thì bị từ chối vì lý do dịch bệnh kèm lời khẳng định: “Sẽ có người giao cho anh, thấy giống thì anh mới phải thanh toán. Anh cần làm thêm giấy tờ gì thì gửi thông tin em làm một thể…”.
Một số công chứng viên cho biết, không chỉ sổ đỏ giả được làm giống thật, mà ngay cả các loại giấy tờ tùy thân đi kèm để thực hiện hành vi lừa đảo cũng được các đối tượng làm giả một cách hết sức tinh vi. Các hành vi này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các văn phòng công chứng, khiến người dân cảm thấy lo lắng khi giao dịch mua bán tài sản. Với công chứng viên, nếu không may thực hiện công chứng đối với giấy tờ giả có thể sẽ đối mặt nguy cơ phải bồi thường, thậm chí bị xử lý hình sự.
Theo Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 về chính sách phát triển nghề công chứng của Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự an toàn xã hội… Nghị quyết cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xử lý hành vi sử dụng tài liệu, giấy tờ giả, giả mạo người yêu cầu công chứng và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động công chứng; phát huy vai trò của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên; thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình tổ chức và hoạt động công chứng nhằm phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi, trong đó có lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản;…
Ngày 5/3/2021, Bộ Tư pháp có Quyết định số 299/QĐ-BTP ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP. Theo đó, Bộ sẽ thường xuyên rà soát các quy định pháp luật về dân sự, đất đai, nhà ở, đầu tư, giao dịch bảo đảm... liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng; quy định về việc sử dụng tài liệu, giấy tờ giả, giả mạo người yêu cầu công chứng và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động công chứng; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc...
Trong trường hợp công chứng viên không phát hiện được giấy tờ giả mạo khi xem xét tính hợp pháp của các loại giấy tờ thì tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác… theo Điều 38, Luật Công chứng năm 2014.
Theo Điều 12, Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp..., đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng. Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, văn bản hoặc giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng để được công chứng hợp đồng, giao dịch; làm giả giấy tờ, văn bản để được công chứng bản dịch.
Theo Luật sư Phạm Thị Thùy Dương, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Trên phương diện pháp lý, hành vi của các đối tượng sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thực hiện các giao dịch mua bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hình phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Bên cạnh đó, hành vi làm giả giấy tờ còn có thể bị xử lý hình sự về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, căn cứ vào Điều 341 Bộ luật Hình sự, mức phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tù từ 3 đến 7 năm.