Lừa đảo tài chính 4.0:

Cẩn trọng với vấn nạn giả mạo biên lai chuyển tiền ngân hàng

Trần Vương Quyền

Khi hình thức chuyển khoản và thanh toán trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình giao dịch mua bán, thì cũng xuất hiện không ít thủ đoạn lừa đảo làm giả biên lai chuyển tiền của các ngân hàng.

"Rộ" thủ đoạn làm giả biên lai chuyển tiền

Thời gian qua, dù hành vi lừa đảo giả mạo biên lai chuyển tiền thành công liên tục được các cơ quan chức năng cảnh báo nhưng vẫn có nhiều nạn nhân “sập bẫy”. Thủ đoạn phổ biến là những kẻ lừa đảo đã sử dụng chiêu trò bằng cách mua số lượng lớn hàng hóa, sau đó đề nghị người bán thực hiện chuyển khoản thông qua dịch vụ Internet Banking.

Mặc dù có vẻ như giao dịch đã diễn ra, thực tế lại khác: không có giao dịch chuyển tiền thực sự xảy ra. Cách thức của chúng là sử dụng phần mềm để tạo hóa đơn thanh toán giả mạo, sau đó gửi cho người bán hình ảnh giả mạo để tạo sự tin tưởng. Các nạn nhân chỉ phát hiện ra sự việc khi thấy tài khoản của họ không có thông báo nhận tiền, còn những kẻ lừa đảo đã "cao chạy xa bay".

Đối tượng chính mà nhóm lừa đảo này nhắm đến thường là các shipper và người bán hàng online. Nhiều người cả tin không kiểm tra lại số dư tài khoản mà vẫn giao hàng cho kẻ gian, dẫn đến việc trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này, lừa mất tiền, hàng hoá.

Cẩn trọng với vấn nạn giả mạo biên lai chuyển tiền ngân hàng - Ảnh 1

Làm gì để không rơi vào "cạm bẫy biên lai giả"?

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), để tránh bị lừa đảo khi giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng, người dùng cần kiểm tra thật kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng. Cần lưu ý, chỉ khi tiền đã vào tài khoản của mình mới tiếp tục thực hiện các giao dịch.

Với công nghệ hiện đại của các ngân hàng, khả năng thực hiện chuyển khoản 24/7 đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, để đảm bảo tính chính xác và an toàn cho giao dịch, những người dùng nên chờ đợi thông báo chính thức từ ngân hàng xác nhận rằng tiền đã được cập nhật vào tài khoản, thay vì dựa chỉ vào hình ảnh chụp màn hình giao diện "chuyển tiền thành công".

Bên cạnh đó,  Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dùng không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.

Đồng thời, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào gợi lên nghi ngờ về khả năng bị lừa đảo, người dùng nên ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để nhận hỗ trợ và cung cấp thông tin cần thiết.