Bộ Tài chính:
Chủ động thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ Tài chính thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán, bảo hiểm; điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý hàng nghìn vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan...
Thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ
Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, toàn ngành Tài chính luôn đề cao việc triển khai công tác kiểm tra, xử lý các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, qua đó đã ghi nhận được nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạn tài sản.
Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến hết ngày 24/5/2023 (sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị), Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã xử lý vi phạm hành chính 1.426 trường hợp vi phạm pháp luật chứng khoán với tổng số tiền phạt gần 92 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra, xác minh đối với một số vụ việc. Trong đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 02 vụ án (ASA và FLC); tiếp tục phối hợp xác minh, điều tra làm rõ các vụ việc khác, bao gồm cung cấp thông tin, tài liệu trong 02 vụ án lừa đảo (Tân Hoàng Minh, An Đông).
Trong lĩnh vực hải quan, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 46.544 vụ vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 16.511.434 triệu đồng; thu ngân sách đạt 1.337.467 triệu đồng. Cơ quan Hải quan cũng đã ra quyết định khởi tố 98 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 470 vụ.
Đối với lĩnh vực thuế, giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6/2023, cơ quan thuế đã thực hiện 250.942 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó, năm 2020: 85.059 cuộc, năm 2021: 68.391 cuộc, năm 2022: 76.021 cuộc, 6 tháng năm 2023: 21.471 cuộc); kiểm tra được 2.946.705 hồ sơ khai thuế (năm 2020: 819.726 hồ sơ, năm 2021: 1.050.917 hồ sơ, năm 2022: 833.019 hồ sơ, 6 tháng năm 2023: 243.043 hồ sơ).
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 221.501,01 tỷ đồng (năm 2020: 72.686,03 tỷ đồng, năm 2021: 47.975,75 tỷ đồng, năm 2022: 73.813,95 tỷ đồng, 06 tháng 2023: 27.025,28 tỷ đồng); tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước là 37.486,1 tỷ đồng (năm 2020: 12.658,99 tỷ đồng, năm 2021: 8.251,4 tỷ đồng, năm 2022: 12.068,99 tỷ đồng, 6 tháng năm 2023: 4.506,72 tỷ đồng).
Phối hợp cung cấp thông tin phục vụ điều tra các hành vi vi phạm
Đáng chú ý, Bộ Tài chính thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin nhằm phục vụ công tác điều tra các hành vi vi phạm. Công tác phối hợp với các cơ quan chức năng được thực hiện trên cơ sở quy định tại Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCA của Bộ Tài chính và Bộ Công an quy định về phối hợp tác tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính; Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 giữa Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Vừa qua, Bộ Tài chính và Bộ Công an cũng đã ký ban hành Chương trình phối hợp số 01/CTPH- BTC-BCA về tiếp tục triển khai Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCA về phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện nghiêm việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ phục vụ công tác điều tra theo yêu cầu của cơ quan công an. Trong đó, đã thực hiện cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động chứng khoán của một số công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán, giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư; cung cấp thông tin chấp hành thuế của Tập đoàn Tân Hoàng Minh; cung cấp hồ sơ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty có liên quan; phối hợp cung cấp hồ sơ tài liệu vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty chứng khoán BOS và các công ty có liên quan...
Trong lĩnh vực thuế, để việc chuyển thông tin, hồ sơ sang cơ quan điều tra trong toàn ngành Thuế được thống nhất, đầy đủ, kịp thời và hiệu quả, ngày 07/4/2022, Tổng cục Thuế ban hành Quy chế số 489/QĐ-TCT về việc chuyển tin báo vụ việc về thuế, hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra.
Đến nay, công tác phối hợp giữa cơ quan thuế với cơ quan công an đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, số trường hợp chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố: 259 trường hợp; Số trường hợp cơ quan công an đã xử lý: khởi tố 21 trường hợp, không khởi tố 10 trường hợp; Số trường hợp cơ quan thuế giải quyết đối với các trường hợp cơ quan công an chuyển lại cơ quan thuế: 37 trường hợp.