Cảng cá là trung tâm của vấn đề gỡ "thẻ vàng"

Phạm Diệp

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cảng cá là trung tâm của vấn đề gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC). Vì vậy, các cảng cá phải quản lý đội tàu, giám sát đội tàu chặt chẽ qua hệ thống thiết bị hành trình (VMS).

Tiến độ đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão chậm hơn mục tiêu quy hoạch, làm tăng nguy cơ thiệt hại tàu thuyền và người mỗi khi có bão.
Tiến độ đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão chậm hơn mục tiêu quy hoạch, làm tăng nguy cơ thiệt hại tàu thuyền và người mỗi khi có bão.

Xử phạt các hành vi khai thác IUU phát hiện tại cảng cá còn rất thấp

Theo báo cáo công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 10/2023, trên cả nước có tổng số tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên khoảng 83.427 tàu. Số tàu đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase là 72.217 chiếc và còn khoảng 11.210 tàu chưa đăng ký, cập nhật trên VNFisbase (giảm 3.393 chiếc so với tháng 12/2022 do hư hỏng, không còn tồn tại trên thực tế tại địa phương).

Đại diện Cục Thủy sản cho biết, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương công bố danh sách 76 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển. Trong đó, 19 khu neo đậu cấp vùng; 57 khu neo đậu cấp tỉnh; với sức chứa khoảng 50.000 tàu cá. So với chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt trong Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì số khu neo đậu xây dựng mới đạt 56,85%, công suất neo đậu tàu thuyền mới đạt 52,56% quy hoạch và 53,48% tổng số tàu cá.

Đối với số khu neo đậu tránh trú bão công bố mới đạt 48,63% quy hoạch, công suất các khu neo đậu mới đạt 43% quy hoạch và 43,76% tổng số tàu cá của cả nước. Điều đó cho thấy, tiến độ đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão chậm hơn mục tiêu quy hoạch, làm tăng nguy cơ thiệt hại tàu thuyền và người mỗi khi có bão.

 

Theo ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (một trong những địa phương có cảng cá lớn trong cả nước), việc nhìn nhận, đánh giá thực trạng công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và công tác kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng nhằm đề ra phương hướng, giải pháp khắc phục những tồn tại hiện nay. Từ đó cải thiện công tác này được tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu EC đưa ra góp phần sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam.

Đại diện Cục Thủy sản nhấn mạnh, dù số lượng tàu khai thác thủy sản đã giảm rõ rệt theo định hướng phát triển; cơ sở hạ tầng bước đầu được quan tâm đầu tư khi hàng loạt dự án đầu tư công trung hạn cho cảng cá, khu neo đậu được phê duyệt, khởi công năm 2023. Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, cũng như sản lượng thủy sản qua cảng và thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU đã có tiến bộ, đi vào nề nếp…

Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá vẫn còn một số hạn chế như: Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành; Tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị VMS dẫn đến không thể kiểm soát được đầy đủ hoạt động của đội tàu nên việc theo dõi, xác nhận, chứng nhận không đảm bảo đủ dữ liệu theo quy định.

Ngoài ra, việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng và thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU khi phát hiện tại cảng cá còn rất thấp so với các vụ việc vi phạm; Hình thức tổ chức, bộ máy quản lý cảng cá tại các địa phương không thống nhất...

Bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá

Lãnh đạo Cục Thủy sản chỉ rõ, để làm tốt công tác quản lý tại cảng cá, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cần phải ổn định tổ chức bộ máy tại các cảng cá; ưu tiên đào tạo bồi dưỡng các cán bộ làm việc tại cảng cá để có đủ trình độ chuyên môn, thực hiện tốt việc giám sát sản lượng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng. Đồng thời, phải rà soát lại quy trình phối hợp giữa cảng cá và các văn phòng đại diện thanh tra kiểm soát nghề cá đặt tại các cảng cá để khi phát hiện các vấn đề tồn tại có biện pháp xử lý kịp thời.

Đặc biệt, các thuyền trưởng, chủ tàu cũng có trách nhiệm khi cho tàu vươn khơi và cập cảng phải thông báo, ghi chép nhật ký khai thác, bật thiết bị giám sát hành trình, thực hiện đúng các quy định…

Vừa qua, tại Hội nghị về quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cảng cá là trung tâm của vấn đề gỡ "thẻ vàng" của EC. Thời gian qua, các tàu vi phạm chủ yếu là các tàu mất kết nối VMS. Vì vậy, các cảng cá phải quản lý đội tàu, giám sát đội tàu chặt chẽ qua hệ thống VMS.

“Yêu cầu cấp bách là chúng ta vượt lên phía trước, bắt tay thi đua và nhất định sang năm 2024, chúng ta phải gỡ thẻ vàng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị ngành NN&PTNT các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, nạo vét luồng lạch các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; bổ sung nguồn lực cho cơ quan quản lý thủy sản, tổ chức quản lý cảng cá và phát huy vai trò của ngư dân trong việc tham gia quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng, cần phải tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU. Đặc biệt, khẩn trương hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; tuân thủ quy định việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác IUU tại cảng cá, về gian lận hồ sơ xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác…