Chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ “thẻ vàng”
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ “thẻ vàng”, do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không có sự thay đổi.
Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) cho biết, thủy sản Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu hải sản nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung. Tỷ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU giảm dần qua từng năm.
Một trong những nguyên nhân chưa gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" là số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Việc theo dõi, kiểm soát tàu cá còn có bất cập. Tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày chiếm khoảng trên 15% so với tổng số lượng tàu cá đã được lắp đặt hệ thống giám sát. Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng trên, qua đó góp phần sớm gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của EC.
Cũng chất vấn nội dung liên quan đến "thẻ vàng" IUU, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) cho biết, "thẻ vàng" IUU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Đến nay đã gần 6 năm, nước ta vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng". Dự kiến, EC sẽ tiến hành đánh giá lần 4 trong tháng 10 tới và nước ta đặt mục tiêu gỡ "thẻ vàng" trong lần đánh giá này.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, về giải quyết, chấm dứt vi phạm trên biển, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ, chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ “thẻ vàng”. Theo Bộ trưởng, nếu không cấu trúc lại ngành Thủy sản, không đẩy mạnh nuôi trồng, không đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn thì cứ mãi mãi câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân.
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương cùng đối thoại để tìm hướng hỗ trợ cho ngư dân, giải quyết được câu chuyện càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt. Đồng thời, nâng cao năng lực, kỹ năng đi biển và trách nhiệm của ngư dân. Cần làm tốt hơn nữa công tác giám sát, tăng cường kiểm tra đầu vào từng chiếc tàu ra khơi, kiểm tra từng thiết bị giám sát hành trình; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn hàng của doanh nghiệp... thì mới có thể giải quyết thành công vấn đề.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, gỡ bỏ "thẻ vàng" không phải mục tiêu duy nhất mà mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ "thẻ vàng" nhưng tính bền vững không được đảm bảo, thì sẽ bị áp dụng "thẻ vàng" khác.
So sánh với các quốc gia như Philippines hoặc Thái Lan, Bộ trưởng cho biết, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền vững hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định. Trong khi đó, ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ NN&PTNT sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng lưu ý, đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi.
Về các điều kiện khó thực thi gỡ "thẻ vàng", Bộ trưởng khẳng định, những điều kiện khó thực thi là có thật, nhưng khó mấy cũng phải làm, vì tất cả các điều kiện, chế tài xử phạt, tiêu chuẩn, quy chuẩn của chúng ta đều được ban hành dựa trên tham khảo ý kiến của đại diện của EU tại Việt Nam. Hàng tháng, khi có thay đổi quy định pháp luật liên quan, Bộ NN&PTNT đều tiến hành tham vấn và nhận được sự hỗ trợ tích cực của bộ phận này.
Theo Bộ trưởng, nếu thực hiện tốt Luật Thủy sản và các nghị định hướng dẫn thi hành thì sẽ không bị EC áp "thẻ vàng". Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết: "Việc nào trong tầm tay sẽ sẵn sàng thực hiện để tháo gỡ cho các địa phương trong quá trình thực hiện gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam".