Căng thẳng dòng tiền cuối năm
Càng về cuối năm, cuộc đua huy động vốn để cải thiện thanh khoản và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các NHTM càng trở nên sôi động hơn. Khác với các năm trước, hình thức tăng lãi suất tiền gửi đang áp đảo hình thức khuyến mại trúng thưởng trong mùa cận Tết năm nay. Theo đó, nhiều khách hàng có thể được hưởng lãi suất rất cao trong dịp này.
Tăng lãi suất thông qua ưu đãi
VPBank vừa công bố rộng rãi việc nâng mức lãi suất tiết kiệm VNĐ lên tới 8,5%/năm với kỳ hạn từ 13 tháng, và 8,6%/năm với kỳ hạn từ 18 tháng. Cụ thể, VPBank tăng mạnh lãi suất huy động thêm 0,1- 0,7% đối với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên của các sản phẩm tiết kiệm thường, tiết kiệm lĩnh lãi định kỳ, tiết kiệm trả lãi trước, tiết kiệm trực tuyến, bảo chứng thấu chi…
Trong 10 ngày cuối tháng 11 vừa qua, khách hàng gửi tiết kiệm VNĐ tại SHB cũng đã có cơ hội hưởng lãi suất lên tới 7,8%/năm, với loại hình tiết kiệm bậc thang theo số tiền. Đối với kỳ hạn từ 6-11 tháng, khách hàng gửi tiền tiết kiệm dưới 2 tỷ đồng sẽ được hưởng lãi suất 7,4%/năm, từ 2 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ và từ 5 tỷ trở lên, lãi suất lần lượt là 7,5%/năm và 7,6%/năm.
Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất áp dụng cho số tiền gửi dưới 2 tỷ đồng là 7,6%/năm; từ 2 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng là 7,7%/năm, và từ 5 tỷ đồng trở lên là 7,8%/năm. So với biểu lãi suất trước đó, SHB đã điều chỉnh lãi suất tăng thêm lên tới 0,6%/năm.
Ngoài ra, một số NH cũng tăng lãi suất đáng kể đối với hình thức tiền gửi trực tuyến. Gửi tiết kiệm trực tuyến trên SeANet và SeAMobile của SeABank được cộng 0,4% lãi suất với tất cả các kỳ hạn dưới 12 tháng, và cộng 0,2% lãi suất với tất cả các kỳ hạn lớn hơn hoặc bằng 12 tháng áp dụng cho tất cả các sản phẩm tiết kiệm online. VIB nhân đôi lãi suất tháng đầu tiên cho những khách hàng mở sổ tiết kiệm mới có giá trị từ 100 triệu đồng, với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cho khách hàng mở mới sổ tiết kiệm tại chi nhánh VIB, cũng như tài khoản tiền gửi trực tuyến trên internet banking hoặc ứng dụng NH di động MyVIB. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng của VIB sẽ lên mức 7,2-7,3%/năm, kỳ hạn cao nhất 36 tháng lên tới 7,7%/năm.
Giải pháp cho nguồn vốn
Mặc dù NH đưa ra nhiều lý do để triển khai ưu đãi, nhưng theo góc nhìn của các công ty chứng khoán, động cơ chính để các NH nâng lãi suất là thanh khoản trong hệ thống đã kém đi kể từ giữa tháng 7. Ước tính thanh khoản hệ thống NH chỉ vào khoảng 220.000-250.000 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 100.000 tỷ đồng từ đỉnh vào đầu tháng 7.
Trong tháng 10, thanh khoản hệ thống NH tiếp tục thu hẹp, đẩy lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng đáng kể. Lãi suất qua đêm là 4,75% (tăng 1,5%), kỳ hạn 1 tuần là 4,68% (tăng 1,18%), kỳ hạn 3 tháng là 4,9% (tăng 0,23%). Giữa tháng 11, lãi suất liên NH bình quân các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tiếp tục tăng với biên độ 0,004-0,05%. Trong đó, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm tăng 0,05% đạt mức 4,91%/năm. Lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần tăng 0,004% đạt mức 4,9%/năm. Lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,016%, đạt mức 4,886%/năm.
Diễn biến tăng của lãi suất liên NH đi kèm động thái bơm ròng của NHNN, cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang ở trạng thái eo hẹp. Theo đó, giới phân tích thị trường đã dự báo, thanh khoản tiền đồng thu hẹp do tính chất mùa vụ từ tháng 11 đến Tết Nguyên đán, nhiều khả năng sẽ đẩy lãi suất liên NH kỳ hạn 3 tháng lên 5%, và có khả năng năm nay sự khan hiếm thanh khoản sẽ đến sớm hơn.
Điều này đã xảy ra khi ghi nhận tại ngày 6-12, lãi suất bình quân liên NH qua đêm là 4,83%/năm, 1 tuần là 4,88%/năm, kỳ hạn 1 tháng là 5,18%/năm, 3 tháng 5,41%/năm và 6 tháng là 6%/năm. Trong khi thời điểm này năm ngoái, lãi suất của các kỳ hạn này lần lượt ở mức 0,84%/năm, 1,08%/năm, 2,48%/năm, 4,64%/năm và 4,92%/năm.
Một chuyên gia kinh tế chia sẻ, lãi suất tại các NHTM Việt Nam thường diễn biến theo tính tính chu kỳ. Càng cận Tết, thanh khoản NH sẽ càng trở nên căng thẳng, do doanh nghiệp sẽ rút tiền để thanh toán công nợ, trả lương thưởng và chi phí thường xuyên.
Đồng thời, khách hàng cá nhân cũng có xu hướng rút tiền nhiều hơn để chi tiêu, mua sắm cuối năm. Khi lượng tiền bị rút ra khỏi NH lớn, sẽ dẫn đến thâm hụt và để bù đắp thanh khoản, các NH phải mạnh tay huy động mới. Giải pháp huy động mới nhanh nhất là tăng lãi suất huy động.
Năm ngoái, chỉ đa số NH nhỏ và hạng trung tham gia, nhưng năm nay cuộc đua này đã lan sang cả các NH lớn vì thanh khoản eo hẹp quá sớm. Đa số các NH đều tăng mạnh lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn trung và dài hạn vì NHNN đã khống chế trần lãi suất ngắn hạn. Tuy nhiên, điều này cũng giúp NH làm một công đôi việc, vì tỷ lệ vốn ngắn cho vay trung và dài hạn bắt đầu từ năm tới chỉ còn 40%, tập trung tăng lãi suất huy động vốn dài hạn sẽ đáp ứng tỷ lệ đó.
Năm nay, thay vì tung ra hình thức quay số trúng thưởng như trước, các NH có xu hướng định một khoảng thời gian khách hàng gửi tiền sẽ được hưởng lãi suất cao, điều này có tác dụng hút vốn từ các kênh khác, thậm chí hút cả tiền gửi của người dân từ các NH khác một cách nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng sẽ tạo áp lực rất lớn lên lãi suất cho vay trong năm 2019.