Căng thẳng tại Iraq, giá dầu và nỗi lo của Trung Quốc
(Tài chính) Mâu thuẫn chính trị đang đe dọa hoạt động sản xuất dầu của Iraq - nước sản xuất dầu lớn thứ 2 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nỗi lo nguồn cung dầu bị gián đoạn khiến giá dầu leo thang và đã lên mức cao nhất 9 tháng qua. Tình hình ở Iraq đang khiến không chỉ Mỹ mà cả Trung Quốc cũng lo lắng không yên.
Nguy cơ nội chiến tại Iraq và biến động giá dầu
Tình hình chiến sự tại Iraq tiếp tục gia tăng căng thẳng khi ngày 15/6/2014 lực lượng phiến quân tuyên bố đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Kirkuk ở phía Bắc và sẽ tấn công Baghdad. Quân đội Iraq thì tuyên bố đã giết hơn 279 người thuộc phiến quân. Như vậy, sau 3 năm Mỹ rút quân khỏi Iraq, nước này đang có nguy cơ sa vào một cuộc nội chiến bởi xung đột sắc tộc.
Cuộc chiến vẫn chưa lan tới miền Nam, nơi sản xuất ra 3/4 sản lượng dầu thô của Iraq. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại rằng mâu thuẫn sẽ nhanh chóng gia tăng, ảnh hưởng tới các cơ sở hạ tầng đối với hoạt động sản xuất dầu và không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của toàn cầu. Iraq là nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai trong OPEC và có trữ lượng dầu đã được kiểm chứng ước chiếm khoảng 1/5 trữ lượng dầu của toàn thế giới, sản xuất khoảng 3,5 triệu thùng dầu/ngày.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong một báo cáo định kỳ hàng tháng về thị trường năng lượng được công bố ngày 13/6 cho hay, nguồn cung dầu từ Iraq có thể không bị ảnh hưởng ngay lập tức. Tuy nhiên, IEA cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong dài hạn của Iraq đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
Những diễn biến bạo lực leo thang tại Iraq đang làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu thô và khiến giá dầu ngày một leo thang, hiện đang ở các ngưỡng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Trong phiên giao dịch ngày 16/6/2014, tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) giao tháng 7/2014 giữ ở mức 106,90 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc, thường bị tác động nhiều bởi các nhân tố địa chính trị quốc tế hơn là dầu WTI, đã tăng lên mức 112,94 USD/thùng.
Diễn biến giá dầu thô ngọt nhẹ New York 6 tháng qua (USD/thùng)
Nguồn: http://www.marketwatch.com
Kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng
Tình hình tại Iraq đang khiến các quan chức Mỹ hết sức lo lắng và phải lường trước một kịch bản xấu nhất là Iraq chìm trong chiến tranh và không thể xuất khẩu dầu. Giá dầu thô cùng với những sản phẩm của nó có những vị trí hết sức quan trọng. Khi giá dầu lên cao có thể gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế các nước và tác động đến nền kinh tế toàn cầu nói chung, làm cho thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm.
Trong trường hợp có thảm họa ở Iraq, giá dầu ở Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ tăng vọt. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, theo tạp chí Forbes, nước Mỹ đã có những chuẩn bị tốt cho kịch bản này. Mỹ hiện nay là nước sản xuất dầu - khí tự nhiên lớn nhất thế giới. Mỹ đã vượt qua Nga là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới vào năm 2012, là nước sản xuất dầu lớn thứ ba (sau Saudi Arabia và Nga).
Nhập khẩu năng lượng của Mỹ đã giảm trong 5 năm qua. Tỷ trọng nhập khẩu khí đốt tự nhiên là 32% và dầu là 15%. Vì vậy, thảm họa giá dầu nếu có sau những căng thẳng ở Iraq thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến Mỹ.
Nhưng Trung Quốc mới đáng lo
Ngược lại, Trung Quốc mới là nước lo ngại Iraq bị tê liệt. Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và bây giờ là khách hàng nhập dầu lớn nhất của Iraq, với trung bình 1,5 triệu thùng/ngày, gần một nửa sản lượng của Iraq.
Nếu không được cung cấp dấu từ Iraq, nền công nghiệp của Trung Quốc sẽ không biết lấy năng lượng ở đâu để bù đắp.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (EIA) của Mỹ cho biết trong báo cáo hàng tháng mới nhất, Trung Quốc nhập khẩu 6,81 triệu thùng một ngày trong tháng 4/2014, một con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay.
Còn theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), năm 2013, một ngày Trung Quốc tiêu thụ khoảng 10,1 triệu thùng dầu trong khi chỉ tạo ra được khoảng 4,2 triệu thùng.
Việc khai thác dầu ngoài khơi của Trung Quốc cho kết quả không mấy khả quan, và việc khai thác nguồn tài nguyên khí đá phiến trên đất liền vẫn đang phát triển chậm chạp mặc dù việc quản lý năng lượng cho thấy những kết quả lạc quan.
Các quan chức Trung Quốc đang ngày càng lo lắng khi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu của nước này đang tiếp tục tăng, đạt mức 60% trong năm nay. Trung Quốc dường như sẽ chịu tổn thương nhiều hơn so với Mỹ nếu nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông bị gián đoạn.
Đó chính là lý do Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong những ngày gần đây đã vội vàng ra thông báo hỗ trợ chính phủ Thủ tướng Maliki. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói cuối tuần qua: "Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã viện trợ Iraq nhiều dạng với số lượng lớn và chúng tôi sẵn sàng cung cấp bất kỳ thứ gì để giúp đỡ Iraq lúc này".