Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Chỉ như bệnh "cảm cúm"?
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao ngày 10/4, ông chủ Alibaba, tỷ phú Jack Ma đã ví von căng thẳng thương mại Mỹ-Trung thời gian gần đây chỉ như “cảm cúm hay cảm lạnh, đó là một bệnh, nhưng đó không phải là bệnh cần phải hóa trị”.
Trên thực thế, thương mại Mỹ - Trung đang trong giai đoạn căng thẳng nhất từ trước tới nay với các hành động được xem là “ăn miếng trả miếng” liên tiếp giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo tỷ phú Jack Ma, việc thổi bùng lên một cuộc chiến tranh thương mại không phải là cách để giải quyết những xích mích giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây. Ông đã kêu gọi các quốc gia chống lại các chính sách hướng nội, đồng thời cho rằng thương mại không đơn giản chỉ là về hàng hoá mà là tôn trọng các nền văn hoá khác nhau.
Tuyên bố trên được đưa ra sau bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Diễn đàn Bác Ngao, nơi nhà lãnh đạo này cam kết mở cửa hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Rhodium Group, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng gấp ba trong năm 2016 so với năm 2015. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhậm chức, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm tới 36% chỉ còn 29,7 tỷ USD.
Trên thực tế, con số thực còn thấp hơn rất nhiều do có nhiều giao dịch được thực hiện từ năm trước. Nếu không tính những giao dịch được công bố trước năm 2017, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Mỹ đã giảm tới 74%.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thâm hụt thương mại năm 2017 của Mỹ với Trung Quốc đạt gần 276 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử thương mại hai nước. Kỉ lục gần đây nhất về mức thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ là vào năm 2015 với 260,8 tỷ USD.
Nhiều rào cản từ Mỹ
Trong năm 2017, Trung Quốc đã giảm thiểu các khoản đầu tư ra nước ngoài, trong khi Mỹ cũng gây nhiều cản trở vì lý do an ninh quốc gia. Từ khi bắt đầu nhậm chức hồi đầu năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố cứng rắn về việc đảm bảo thương mại công bằng với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc. Ông đã nhiều lần đề cập tới những hành động khắc nghiệt hơn đối với những hành vi ông cho là không lành mạnh, dẫn tới thâm hụt lớn trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Trong năm 2017, các nhà lập pháp của Mỹ đã giới thiệu một đạo luật kêu gọi sự kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ. Họ cũng đang trong tiến trình mở rộng hoạt động của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (Cfius), một ủy ban bao gồm nhiều cơ quan chức năng có nhiệm vụ xem xét các giao dịch nước ngoài để nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Cfius không chỉ kiểm duyệt hoạt động thâu tóm trong lĩnh vực quốc phòng mà còn tập trung vào một loạt thách thức an ninh khác, bao gồm hoạt động thâu tóm các công nghệ tiên tiến của Mỹ. Các thương vụ mua bán công ty sở hữu thông tin nhạy cảm như dữ liệu tài chính, hồ sơ sức khỏe, đã bị loại bỏ vì nguy cơ tiềm ẩn của hoạt động gián điệp và tống tiền.
Dựa trên ước tính từ Rhodium Group và Ủy ban Quốc gia về mối quan hệ Mỹ - Trung, các thỏa thuận trị giá hơn 8 tỷ USD đã bị ngăn cấm thực hiện trong năm 2017, bởi vì các bên không thể giải quyết các lo ngại của Cfius.
Hồi đầu tháng 1, công ty thanh toán điện tử của Trung Quốc Ant Financial và công ty chuyển tiền Mỹ MoneyGram cho biết họ đã hủy hợp đồng mua bán trị giá 1,2 tỷ USD, sau khi không được cơ quan chức năng của Mỹ chấp thuận. Thương vụ mua bán MoneyGram-Ant Financial đổ vỡ khi căng thẳng giữa hai cường quốc ngày càng lớn trong việc xác định nước nào sẽ kiểm soát công nghệ của tương lai. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng trở nên xung đột liên quan tới việc dữ liệu cá nhân sẽ phải được quản lý như thế nào khi mà dòng tiền và quyền sở hữu doanh nghiệp đang “chạy xuyên biên giới”.
Một khi mua được công ty chuyển tiền có quy mô hoạt động lớn như MoneyGram, Ant Financial có thể có quyền truy cập các hồ sơ tài chính thực hiện tại Mỹ. Và nó cũng tạo ra lỗ hổng an ninh lớn nếu công ty này có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc. Ant Financial đã phủ nhận những cáo buộc trên, cho rằng dữ liệu của người dùng sẽ được tiếp tục lưu trữ tại Mỹ.
Trước đó, hồi tháng 9/2017, ông Trump cũng đã ngăn chặn một nhà đầu tư, do Chính phủ Trung Quốc đứng sau, mua một công ty bán dẫn của Mỹ sau khi Cfius cho rằng thỏa thuận này ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. “Việc giám sát của Cfius và Quốc hội Mỹ đối với các thương vụ của Trung Quốc” có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay, Jerry Yang, đồng sáng lập của Yahoo!, cho biết tại hội nghị ở Silicon Valley vào tháng 10/2017. Về phía Trung Quốc, từ năm 2016, nước này cũng bắt đầu áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, trong đó ngăn chặn các công ty thực hiện các đợt thâu tóm ở Mỹ.
Nước nào "lĩnh" hậu quả nặng nề hơn?
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt biểu thuế lên tới 50 tỷ USD nhằm vào Trung Quốc ngày 23/03, Mỹ và Trung Quốc đã liên tục công bố thêm các biểu thuế mới nhằm vào hàng hóa của nhau. Mỹ đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng các sản phẩm công nghệ, máy móc. Trung Quốc nói sẽ áp thuế hơn 100 sản phẩm Mỹ, bao gồm đậu nành, ngô, thịt bò, thuốc lá, xe, đồ nhựa và tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến thương mại với "bất kỳ giá nào".
Trong trường hợp chiến tranh thương mại nổ ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu những thiệt hại về kinh tế với các mức độ ở từng lĩnh vực khác nhau. Theo giới chuyên gia kinh tế Mỹ, tác động lên nền kinh tế nước này sẽ không quá nhiều, tập trung chính vào một số ngành nhất định, ví dụ như đậu nành, ô tô, máy bay… những ngành xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc. Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ chịu ảnh hưởng khi giá cả các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng theo mức thuế được áp dụng.
Đối với Trung Quốc, tác động đến nền kinh tế sẽ trên quy mô rộng hơn và lớn hơn vì nước này phụ thuộc khá nhiều vào thị trường tiêu dùng Mỹ. Mỹ đã giành được lợi thế trong đàm phán lại các điều kiện thương mại đối với Hàn Quốc, Nhật Bản, các đối tác trong NAFTA, thậm chí là căng thẳng hạt nhân với Triều Tiên. Nhưng Trung Quốc là một quốc gia hoàn toàn khác và chỉ cần một tính toán sai lầm có thể đẩy 2 nước vào cuộc chiến thương mại thực sự.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước có dấu hiệu hạ nhiệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 cho biết, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ hàng rào thuế quan thương mại đối với hàng hóa Mỹ. Theo ông Donald Trump, chính sách thuế quan của hai nước sẽ mang tính tương hỗ và hai bên sẽ đạt được thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ, một trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây.
Trong khi đó, giới quan sát cũng nhận định, Mỹ và Trung Quốc sẽ có cơ hội đầu tiên giải quyết những bất đồng sâu sắc về thương mại song phương bên lề Hội nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ từ ngày 20-22/4 tới, dù đến nay cả hai nước đều chưa có kế hoạch cho bất cứ cuộc gặp nào.