Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang: Việt Nam sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn

Theo Hà Lan/daibieunhandan.vn

Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động như thế nào đến Việt Nam đang là một câu hỏi lớn. Tại Tọa đàm do Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức cuối tuần trước, các chuyên gia đã dành thời gian chia sẻ về câu chuyện thời sự này. Về cơ bản, các ý kiến thống nhất rằng, trong ngắn hạn Việt Nam có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại này nhưng trong dài hạn sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong vòng ba tháng (7 - 9/2018), Mỹ đã 3 lần áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Đợt 1 vào ngày 6/7, Mỹ áp thêm thuế  25% lên hàng hóa giá trị 34 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong số 818 dòng sản phẩm bị áp thuế lần này, hàng tiêu dùng chỉ chiếm 1%. Đến ngày 24/7, Mỹ tiếp tục áp thêm thuế 25% lên hàng hóa giá trị 16 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc đối với 284 dòng sản phẩm.

Gần đây nhất, vào ngày 24/9, chính sách áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu có hiệu lực. Với diễn biến này, tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế đã tăng lên 250 tỷ USD, khoảng một nửa giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ năm 2017.

Không nên quá quan ngại

Tại cuộc tọa đàm với các chuyên gia về tình hình kinh tế - xã hội do Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức cuối tuần trước, các chuyên gia đã dành thời gian để nói về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đối với nước ta.

Theo TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright tại Việt Nam, trong ngắn hạn, nước ta có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại này. Ông phân tích: Trong gần 5.900 dòng sản phẩm của Trung Quốc mà Mỹ áp thuế 10%, thì các sản phẩm cùng mã của Việt Nam xuất sang Mỹ có giá trị 13 tỷ USD, trong đó nội thất chiếm 36,7%, nông thủy sản chiếm 19,4%, thiết bị điện, điện tử 13,5%, túi xách 8,8%.

“Đây là nhóm hàng Việt Nam có thể hưởng lợi nếu Trung Quốc bị áp thuế buộc các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển sang nhập từ Việt Nam. Nhưng, hàng may mặc và giày dép không có trong danh mục”, ông nhận định.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng “trước mắt, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tốt hơn” và “không nên quá quan ngại về tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với nước ta”, tuy nhiên “cần phải lo những tác động gián tiếp”.

Áp lực trong dài hạn

Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, áp lực đầu tiên mà Việt Nam phải đối mặt trong dài hạn chính là áp lực về tỷ giá.

Theo các chuyên gia, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chỉ dừng lại ở việc trừng phạt thuế suất 25% lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu thì tác động trực tiếp đến ngoại thương là không đáng kể. Nhưng ngay cả khi đó thì tác động mạnh đã diễn ra trên thị trường tiền tệ.

Khi có những tín hiệu trừng phạt thì đồng nhân dân tệ đã mất giá so với đồng USD, từ mức 6,3 nhân dân tệ/1 USD vào tháng 4 thì nay đã lên 6,7 nhân dân tệ/1 USD.

“Việc đồng nhân dân tệ xuống giá đã tạo sức ép lên đồng Việt Nam”, TS. Huỳnh Thế Du nói. Theo tính toán của ông, nếu nhân dân tệ xuống giá 8% so với USD thì đồng Việt Nam có thể cho xuống giá 2 - 3% so với USD. Nếu áp lực mạnh hơn và nhân dân tệ xuống giá 10% thì đồng Việt Nam có thể cho xuống giá 4 - 5%.

Dự kiến là nếu nhân dân tệ xuống giá trên 10% so với USD thì ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp vì 2 lo ngại. Một là dòng vốn nước ngoài sẽ chảy ra khỏi Trung Quốc. Hai là Hoa Kỳ có thêm cớ để trừng phạt thương mại tiếp.

Trong bối cảnh này, “Việt Nam không nên chủ động phá giá để duy trì tính cạnh tranh, nhưng cũng không nên cứng nhắc cố định tỷ giá và dùng dự trữ ngoại tệ để bảo vệ. Chính sách tỷ giá cần linh hoạt theo hướng không để đồng Việt Nam lên giá trên 5 - 6% so với đồng nhân dân tệ”, vị chuyên gia đến từ Đại học Fulbright khuyến cáo.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế đề cập tới nguy cơ Trung Quốc “mượn đường” Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ khiến Việt Nam xuất siêu nhiều hơn sang thị trường này và từ đó đẩy Việt Nam vào một cuộc áp thuế chống phá giá. Việt Nam hiện xuất siêu sang Mỹ 30 tỷ USD.

“Chuyện Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ cũng là một cái “gai” trong mắt chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Do đó nếu như chúng ta đẩy mạnh thặng dư lên nữa thì rất dễ bị rơi vào tầm ngắm của cuộc chiến này”, TS. Huỳnh Thế Du nhận định.

Trường hợp Việt Nam bị áp thuế thì nền kinh tế Việt Nam mệt mỏi hơn nhiều. Bởi 506 tỷ USD xuất siêu của Trung Quốc sang Mỹ chỉ tương đương 4,2% GDP của nước này, nhưng 30 tỷ USD xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ thì chiếm hơn 12% GDP (quy mô nền kinh tế Việt Nam khoảng 240 tỷ USD).