Bloomberg:
Căng thẳng thương mại Trung - Mỹ đẩy Hàn Quốc xích lại Việt Nam
Theo Bloomberg, đối mặt với tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài với Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc đang đẩy mạnh mối quan hệ với Việt Nam
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với các quốc gia Đông Nam Á để các tập đoàn lớn như Samsung Electronics đa dạng hóa các cơ sở sản xuất và thị trường xuất khẩu. Seoul cho rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump ngày càng đỏi hỏi nhiều về thương mại và không còn đáng tin cậy, trong khi những căng thẳng với Trung Quốc do việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (Thaad) đã kéo dài hơn một năm.
Theo ông Kim Il-san, Giám đốc chi nhánh TP. HCM của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, các công ty Hàn Quốc từ lâu đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam nhưng tranh chấp tên lửa Thaad đã làm cho Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và thị trường xuất khẩu hấp dẫn hơn.
Kết quả là xuất khẩu của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng gần 50% vào năm 2017, và đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua. Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, Việt Nam dự kiến sẽ trở thành thị trường xuất khẩu số 2 của Hàn Quốc vào năm 2020.
Ông Kim nói: "Hàn Quốc chủ yếu bán hàng hóa trung gian cho Việt Nam, nhưng khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, sản phẩm tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội".
Các công ty như Samsung và Lotte Group đang dẫn đầu làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam. Việt Nam hiện đang chuyển từ nền kinh tế tập trung vào các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may sang các ngành như sản xuất điện tử, dịch vụ và bán lẻ.
Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng đầu tư trực tiếp đạt mức kỷ lục cao 7,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm ngoái. Hàn Quốc còn vượt cả Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam vào năm ngoái. Khoảng 1/3 hàng hóa vận chuyển từ Hàn Quốc tới Việt Nam là thiết bị bán dẫn và màn hình hiển thị sử dụng cho các dòng sản phẩm điện tử.
Với nền kinh tế đang phát triển nhanh và dân số trẻ, Việt Nam cũng tạo ra một thị trường hấp dẫn cho các nhà bán lẻ. Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7,4% trong quý I so với cùng kỳ năm trước và 1/3 dân số trong độ tuổi từ 15 đến 34.
Trong lĩnh vực bán lẻ, Tập đoàn Lotte, đang bị đe doạ ở Trung Quốc vì Thaad, đang tìm cách bán các cửa hàng siêu thị tại đó,tại Trung Quốc và có kế hoạch tăng số lượng cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam lên gấp sáu lần vào năm 2020 từ 13 cửa hàng lên 87 cửa hàng. E-mart Inc., nhà khai thác cửa hàng giảm giá lớn nhất của Hàn Quốc đang xây dựng một cửa hàng thứ hai ở Việt Nam sau khi rút khỏi Trung Quốc do doanh số bán hàng kém.
Đầu tư của Hàn Quốc đang thúc đẩy tăng trưởng và sự thịnh vượng ở Việt Nam. Samsung cho biết họ thuê 100.000 nhân công tại nhà máy của họ tại Hà Nội, trong khi số công ty thành viên và nhà cung cấp ước tính khoảng 300.
Phát biểu tại Hà Nội vào tháng 3/2018, ông Moon mô tả mối quan hệ với Việt Nam như là thương vụ hai bên cùng có lợi (win-win deal).
“Khoảng 5.500 công ty Hàn Quốc đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Một triệu công nhân Việt Nam có công ăn việc làm tốt và các công ty Hàn Quốc đang phát triển nhanh chóng nhờ những công nhân Việt Nam có năng lực và siêng năng”, ông Moon nói.
Những mối quan hệ này ngày càng sâu sắc hơn. Trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Moon Jae-in tới Việt Nam vào tháng 3, hai nước và các công ty đã ký 18 bản ghi nhớ. Đó là một phần của những gì mà ông Moon gọi là Chính sách Phương Nam mới, tăng cường mối liên hệ với các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đồng thời giảm sự phụ thuộc về kinh tế và ngoại giao vào Trung Quốc và Mỹ.
Hiện tại, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã đạt gần 64 tỷ USD vào năm 2017 và hướng đến con số 100 tỷ USD vào năm 2020.
Chắc chắn, mở rộng thương mại và sản xuất ở Việt Nam sẽ chỉ là một vùng đệm hạn chế của Hàn Quốc trước những căng thẳng với Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt nếu căng thẳng thương mại nay ngày càng tồi tệ. Nhiều sản phẩm mà các công ty Hàn Quốc đang sản xuất tại Việt Nam được dành cho Mỹ và Trung Quốc.
Ông Kwak Sungil, giám đốc của Viện Hàn Quốc về Sinh thái Quốc tế cho biết: "Việt Nam và Asean không thể là lựa chọn thay thế cho Mỹ và Trung Quốc, nhưng chúng là những thị trường mới, bổ sung để chuẩn bị chống lại các cú sốc của hai nền kinh tế lớn này".