Cảnh giác tội phạm sổ đỏ giả

Theo CAND

Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bằng thủ đoạn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả được lực lượng Công an cả nước phát hiện và bắt giữ trong thời gian qua cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của loại tội phạm này.

Với kỹ thuật in ấn hiện đại, công nghệ làm giả sổ đỏ hiện nay ngày càng tinh vi mà nếu nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được. Không chỉ cá nhân mà các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và ngân hàng cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của sổ đỏ giả.

Nhận diện tội phạm làm sổ đỏ giả

Và thủ đoạn dùng sổ đỏ giả để chiếm đoạt tài sản cũng đa dạng "Muôn hình muôn vẻ"… Đáng chú ý nhất phải kể đến vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức bị Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) phát hiện trong tháng 8/2010. Đối tượng chủ mưu trong vụ án này là Phùng Văn Thúy (31 tuổi, từng có thời gian công tác tại Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Gia Lâm).

Liên quan đến vụ án này, cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm đã làm rõ hành vi của Phạm Văn Sơn, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lâm đã vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong thời gian công tác, Thúy đã lấy trộm 20 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm, rồi thông đồng với Lê Bá Quỳ (41 tuổi, trú tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) làm sổ đỏ giả để thế chấp đáo nợ ngân hàng.

Tên Quỳ đã làm giả toàn bộ nội dung, con dấu chữ ký trên các phôi thật rồi cùng vợ là Nguyễn Thị Lệ Thủy ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 3 thửa đất (không có trên thực tế) cho anh Trần Việt Anh (31 tuổi, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổng giá trị là 9,7 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, Quỳ và đồng bọn còn làm giả 15 quyển sổ đỏ khác rồi đem thế chấp cho cá nhân, ngân hàng để vay tiền. Khi điều tra vụ án này, Công an huyện Gia Lâm xác định Quỳ và đồng bọn đã sử dụng các sổ đỏ giả này làm tài sản đảm bảo cho ít nhất 3 công ty và 5 ngân hàng.

Cá biệt có trường hợp, các đối tượng còn lấy danh nghĩa của các công ty để thực hiện hành vi lừa đảo. Một trong số đó phải kể đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà đối tượng thực hiện nguyên là Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Vạn Thành, Nguyễn Thị Hải Minh (38 tuổi, trú tại tổ 13, phường Thanh Lương). Minh đã làm giả 5 sổ đỏ và đem thế chấp lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người bị hại…

Làm thế nào để phòng ngừa sổ đỏ giả?

Từ thực tế các vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức trên cho thấy, nạn nhân của sổ đỏ giả, giờ không chỉ là cá nhân mà còn là các cơ sở kinh doanh lớn như ngân hàng, các công ty và tổ chức tín dụng… Hậu quả của những vụ lừa đảo này thường rất nghiêm trọng và khả năng thu hồi tài sản của các cơ quan thi hành pháp luật là rất khó thực hiện.

Phạm Văn Sơn - cán bộ ngân hàng bị bắt vì cho vợ chồng Quỳ vay tiền thế chấp bằng tài sản ảo và mẫu những sổ đỏ giả bị cơ quan Công an thu giữ.

Thượng tá Nguyễn Khắc Hoạt, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Phú Thọ trăn trở: Trong các vụ án có thủ đoạn tương tự, việc phát hiện tội phạm thường quá muộn, thông thường là khi các giao dịch đã hoàn thành nên người bị hại rơi vào tình trạng "chờ được vạ thì má đã sưng"…

Nguyên nhân một phần là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người tham gia giao dịch, phần khác do sự thiếu trách nhiệm của những cán bộ được giao làm công tác thẩm định tài sản. Cá biệt, có một số trường hợp ngay cả các văn phòng công chứng cũng không thể kiểm soát được, trong đó vụ việc xảy ra tại Văn phòng công chứng Việt Tín là một ví dụ điển hình…

Mới đây nhất, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ vừa đưa ra xét xử vụ Nguyễn Thị Vy (50 tuổi, trú tại phường Vân Cơ, TP Việt Trì) - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phú An, trụ sở tại phường Vân Cơ, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ và chồng là Nguyễn Ngọc San (Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phú An) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vy và các đối tượng trong vụ án đã mượn sổ đỏ của những người thân, quen với lý do "chứng minh tài sản thành lập công ty" để lừa đảo.

Từ năm 2007 đến tháng 8/2008, Vy và đồng bọn đã gây thiệt hại cho 2 ngân hàng và 13 cá nhân với số tiền lên tới 14,6 tỷ đồng. Thủ đoạn của Vy là cùng chồng, Vũ Yên, Lữ Thị Liên và Phạm Thị Thuỷ (đều trú tại tỉnh Phú Thọ) lập hợp đồng thế chấp bằng sổ đỏ và tài sản gắn liền với đất, rồi làm giả chữ ký, sau đó đem ra Phòng Tài nguyên môi trường TP Việt Trì xin xác nhận và UBND các phường, xã có chủ sở hữu các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xin xác nhận vào hồ sơ vay vốn có chữ ký giả…

Sau đó, Vy đưa các hồ sơ đó cho các cán bộ ngân hàng làm tài sản đảm bảo 2 hợp đồng tín dụng của Công ty TNHH Thương mại Phú An. Để điều tra vụ án này, Phòng PC46 Công an tỉnh Phú Thọ phải mất 2 năm thu thập chứng cứ mới vạch trần được bộ mặt thật của "vợ chồng siêu lừa"...

Để hạn chế thấp nhất rủi ro, trước khi thực hiện các giao dịch liên quan đến sổ đỏ, người dân cần thận trọng tìm hiểu thông tin về người bán, người chuyển nhượng, người ủy quyền, đề phòng đó là chữ ký giả. Về phía các văn phòng công chứng cần phải có cơ quan giám sát vì thực tế hiện nay cho thấy, do không quy định vùng, địa bàn nên những người có nhu cầu công chứng sổ đỏ có thể mang giấy tờ đến bất cứ văn phòng nào để xác nhận...

Song giữa các văn phòng công chứng hiện nay lại chưa nối mạng để có thể cùng quản lý. Bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Hồng Thanh ở xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm: Để tránh gặp sổ đỏ giả, những người có nhu cầu giao dịch kể cả cá nhân và các tổ chức cần phải biết nguồn gốc nhà ở, đất đai. Ngoài việc đến vị trí đất và căn hộ ghi trên sổ đỏ để xác minh cũng nên tới văn phòng nhà đất của quận, huyện kiểm tra các vấn đề như tranh chấp, thế chấp, đặt, cho, chuyển nhượng…

Trong trường hợp sổ đỏ có liên quan đến việc ủy quyền, phải đến văn phòng công chứng, kiểm tra xem hợp đồng chuyển nhượng đúng là được thực hiện ở phòng công chứng này không. Nếu giao dịch tiến hành thành công thì nên tiếp tục thực hiện ủy quyền ngay tại phòng công chứng đó.

Về phía các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong việc dùng sổ đỏ để thế chấp, vay tiền, không vì cả nể mà bỏ qua quy định… Cùng với đó, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ của các cán bộ ngân hàng, phòng công chứng các cơ quan tư pháp của Công an cấp phường.

Việc phát hiện sớm và ngăn chặn loại tội phạm làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, trong đó có sổ đỏ giả hiện nay là rất cần thiết. Nếu mỗi người dân và các cơ quan, doanh nghiệp tự mình phòng ngừa thì chẳng những bản thân họ bị thiệt hại mà về phía cơ quan điều tra cũng phải tốn nhiều công sức để khắc phục hậu quả.

Hiện nay, ngoài các văn phòng công chứng, một trong những địa chỉ "đỏ" mà người dân có thể tìm đến là các đơn vị kỹ thuật hình sự thuộc Công an các cấp từ Trung ương đến địa phương.