Cạnh tranh khốc liệt, siêu thị ngoại cũng bật bãi
Việc chuỗi siêu thị Auchan đang có ý định bán lại vì thua lỗ tiếp tục cho thấy tính cạnh tranh khắc nghiệt ở thị trường bán lẻ Việt, không dễ để nhà bán lẻ ngoại hái "quả ngọt".
Đi một vòng khảo sát siêu thị ngoại thuộc dạng lớn như Auchan trên đường Văn Thân, quận 6, Tp.HCM vào ngày thường lẫn cuối tuần sẽ thấy người mua không nhộn nhịp, thậm chí thưa thớt dù trên kệ hàng bày biện hàng hóa đầy ắp, khác xa với hình ảnh tấp nập ở một siêu thị nội như Co.opmart trên đường Hậu Giang cách đó 1 – 2km.
"Quả đắng" thua lỗ
Ở một đại siêu thị ngoại khác là Mega Market Bình Phú trên đường Bình Phú, phường 11, quận 6, qua quan sát của phóng viên, lượng khách đến mua hàng cũng không thực sự đông so với tầm vóc của thương hiệu bán lẻ này.
Trong khi đó, tua tủa quanh đại siêu thị này, cách chừng vài trăm mét đến 1 – 2km, là chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini của các tên tuổi bán lẻ cả nội lẫn ngoại như Co.op Food, Win Mart, Circle K, Bách hóa Xanh…
Hoạt động của các siêu thị ngoại ở Việt Nam hiện nay hiệu quả như thế nào, có thu hút đông khách hàng hay không sau quá trình rót vốn đầu tư, thâu tóm, mở rộng hệ thống tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn luôn là mối quan tâm với các nhà bán lẻ.
Mới đây, tờ Les Echos dẫn lời ông Edgard Bonte, Chủ tịch Tập đoàn Auchan Retail (chuỗi bán lẻ toàn cầu của Pháp), cho biết về ý định bán hệ thống siêu thị Auchan tại Việt Nam do thua lỗ.
Auchan thâm nhập thị trường bán lẻ Việt 4 năm nay với 13 siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh, 4 siêu thị tại Hà Nội và 1 siêu thị ở Tây Ninh cùng 1.000 nhân viên, doanh thu được cho là đạt khoảng 50 triệu USD/năm. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành bán lẻ hiện đại, việc thu hút người tiêu dùng với chuỗi siêu thị mới này không phải là điều dễ dàng.
Theo hãng tin Reuter, việc rút khỏi thị trường Việt Nam được Auchan công bố ngay sau khi tập đoàn này vì lý do thua lỗ đã phải bán lại hệ thống siêu thị của mình tại Italia cho một nhà bán lẻ nội địa.
Trước đây, việc thua lỗ của một số "ông lớn" bán lẻ ngoại ở Việt Nam có thể được nghi ngờ là nhằm chuyển giá, trốn thuế, nhưng hiện nay với sự nở rộ của các tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ hiện đại, việc nếm "quả đắng", chịu lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm trước sức ép cạnh tranh được cho là khó tránh khỏi.
Quy luật đào thải
Trên thực tế, với môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, ngành bán lẻ Việt luôn là ngành thu hút làn sóng đầu tư lớn từ các nhà bán lẻ ngoại, nhưng song song đó là cả quá trình cạnh tranh khắc nghiệt.
Đặc biệt là mô hình bán lẻ hiện đại từ nước ngoài du nhập vào ngày càng gia tăng. Hơn thế nữa, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi là mô hình phát triển nhanh nhất chính là áp lực cạnh tranh lớn cho các đại siêu thị ngoại như Auchan hay Mega Market, Aeon…
Trong khi đó, như lưu ý của công ty chứng khoán VCBS về ngành bán lẻ Việt trong năm nay, mô hình này đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn vì số lượng tham gia quá nhiều trong khi sức mua của người tiêu dùng chưa thể tăng tương ứng, mặt khác còn phải cạnh tranh với mô hình siêu thị và tiệm tạp hóa truyền thống.
Có thể thấy số lượng các cửa hàng tiện lợi bắt đầu tăng trưởng mạnh từ giai đoạn 2015 – 2016 với tốc độ trung bình 78%/ năm và chững lại trong năm 2017 (16,5%).
Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán lẻ (khoảng 0,4%, theo Euromonitor) nhưng đây là loại hình chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2012 – 2017 đạt 48%.
Sự tăng trưởng này, theo VCBS, đã thu hút các nhà đầu tư ngoại với các thương hiệu quốc tế như Family Mart, Circle K, Shop&Go và Bs Mart, GS25… Trong khi đó, các doanh nghiệp nội như Vingroup hay MWG cũng không muốn bỏ lỡ miếng bánh này với các chuỗi Vinmart + và Bách hóa Xanh.
So với các nước trong khu vực, đặc biệt các nước có văn hóa tiêu dùng gần giống với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia hay Philippines, mật độ cửa hàng tiện lợi của Việt Nam nếu xét về thu nhập hiện đang ở mức tương đương, hoặc còn dư địa nhưng không nhiều.
Theo VCBS, thực tế có thể thấy các thương hiệu ngoại khi mới vào thị trường đều đưa ra kế hoạch mở cửa hàng với số lượng rất lớn, nhưng sau một thời gian hoạt động, con số thực hiện được lại khá khiêm tốn.
Quan sát tình hình ngành bán lẻ hiện đại hiện nay, nhất là qua động thái Auchan muốn bán lại hệ thống siêu thị tại Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng đó là điều tất yếu theo quy luật khắc nghiệt "mạnh được yếu thua" trong ngành bán lẻ khi mà trước đây đã từng có vài "ông lớn" siêu thị ngoại đã phải rút lui "không kèn không trống" khỏi Việt Nam.
Nhìn sâu một chút thì việc không dễ hái "quả ngọt" của một số siêu thị ngoại cũng là cơ hội để các siêu thị nội và mô hình bán lẻ truyền thống củng cố lại thực lực của mình.
Các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam hiện nay được cho là mới chỉ tranh chấp thị phần với bán lẻ nội địa ở các mô hình bán lẻ hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi).
Trong khi đó, bán lẻ hiện đại hiện vẫn chỉ chiếm khoảng 25 – 30% thị phần bán lẻ Việt và 70 – 75% thị phần còn lại vẫn thuộc về các mô hình bán lẻ truyền thống mà các nhà bán lẻ ngoại khó có thể thâu tóm.