Cạnh tranh mở rộng "chân rết" nhượng quyền thương hiệu và những cái ‘bẫy’ vô hình


Nhượng quyền thương hiệu đang nở rộ tại Việt Nam, được vẽ ra nhiều lợi nhuận dưới nhiều “miếng bánh” hấp dẫn. Nhưng, đây cũng là “chiếc bẫy” vô hình nếu mỗi nhà đầu tư không tìm hiểu rõ trước.

Để chiếm lĩnh thị phần, các thương hiệu như Mixue, ToCoToCo, Cooler City... đang mở rộng “chân rết” tại thị trường Việt Nam thông qua chiến lược nhượng quyền thương hiệu.
Để chiếm lĩnh thị phần, các thương hiệu như Mixue, ToCoToCo, Cooler City... đang mở rộng “chân rết” tại thị trường Việt Nam thông qua chiến lược nhượng quyền thương hiệu.

Theo các chuyên gia, mô hình nhượng quyền thương hiệu đã phát triển trên thế giới từ những năm 1950 - 1960 trong ngành hàng F&B, nhờ đó đã xây dựng lên nhiều đế chế hàng đầu thế giới như Starbucks,Walmart,… Còn tại Việt Nam, khoảng gần 10 năm trở lại đây, bắt đầu xuất hiện nhiều thương hiệu kinh doanh nhượng quyền.

Miếng bánh ‘vỡ mộng’

Theo mô hình bán hàng nhượng quyền, công ty sẽ bán nguyên liệu, vật liệu đóng gói, thiết bị, công cụ, phương tiện và các hàng hóa khác cho các cửa hàng nhượng quyền, đồng thời thu phí nhượng quyền, phí quản lý, phí đào tạo,... từ các cửa hàng này.

Theo Momentum Works, những năm gần đây, nhu cầu trà sữa đã tạo ra một thị trường gần 3,7 tỷ USD tại khu vực Đông Nam Á, trong đó thị trường Việt Nam đứng thứ ba với quy mô hơn 360 triệu USD, tương đương hơn 8.500 tỷ đồng. Một đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor mới đây cho biết, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô gần 300 triệu USD từ năm 2017. Vì vậy, mô hình nhượng quyền của Việt Nam đang phát triển mạnh ở ngành hàng F&B (đồ uống).

Mixue (thương hiệu kem tươi và đồ uống từ trà của Trung Quốc) đến Việt Nam từ năm 2018. Sản phẩm chủ đạo của Mixue là những cây kem tươi giá siêu rẻ 10.000 đồng, trà sữa trung bình 25.000 đồng/ly. Chỉ sau 5 năm thâm nhập thị trường Việt Nam, các cửa hàng Mixue mọc lên tại khắp 43 tỉnh, thành phố. Đến giữa tháng 4/2023, Mixue thông báo chạm mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam.

Sau Mixue, nhiều tên tuổi khác có cùng phân khúc trà sữa và kem tươi giá rẻ cũng đang nổi lên thu hút người tiêu dùng trẻ của Việt Nam. Trong đó, chuỗi trà sữa ToCoToCo, Cooler City để nâng cao tính cạnh tranh, các thương hiệu này tung ra những chiếc kem tươi với giá siêu rẻ, chỉ 8.000 – 9.000 đồng/chiếc.

Để chiếm lĩnh thị phần, các thương hiệu trên đang mở rộng “chân rết” tại thị trường Việt Nam thông qua chiến lược nhượng quyền thương hiệu. Hiện, ToCoToCo có khoảng 600 cửa hàng trải dài trên toàn quốc, Coocler City dù mới tiến vào thị trường Việt Nam 7 tháng nhưng ngay lập tức đã mời gọi các nhà đầu tư mua nhượng quyền, đến nay có 12 cửa hàng tại Hà Nội…

Mô hình nhượng quyền thương hiệu đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Song, trước khi quyết định xuống tiền, nhà đầu tư phải hiểu rõ mô hình trên, lường trước rủi ro thông qua cam kết có tính pháp lý, tránh tin lời quảng cáo 6 tháng sẽ hoàn vốn.

Sau khi đạt được số lượng cửa hàng kỷ lục tại thị trường Việt Nam, Mixue bất ngờ có một động thái điều chỉnh giá khiến cho các bên nhận nhượng quyền rất hoang mang. Mới đây thương hiệu này đã công bố giảm sâu từ 25% giá của các sản phẩm trà hoa quả - một dòng sản phẩm vốn có mức giá bán tương đối thấp.

Điều này tưởng chừng như là một chương trình khuyến mãi để tăng sức cạnh tranh về giá đúng với các thương hiệu khác. Tuy nhiên, thực tế những lùm lùm liên quan tới câu chuyện Mixue vừa qua đã cho thấy mặt trái của nhượng quyền thương hiệu. Theo đó, việc đưa ra và thực hiện chính sách giảm giá 25% sản phẩm nhằm tăng thị phần nhưng giá mua nguyên liệu không giảm, điều này khiến “miếng bánh” Mixue tưởng béo bở bỗng chốc khiến nhiều nhà đầu tư vỡ mộng.

Chính sách này đã khiến người bán buộc phải chịu cảnh giá thành đầu vào cao - giá bán ra thấp, dẫn đến nguy cơ kinh doanh không lợi nhuận và thậm chí là thua lỗ bởi số vốn đầu tư quá lớn đã bỏ ra

Một chuyên gia nhượng quyền thương hiệu nhìn nhận, nguyên nhân việc Mixue tiến hành giảm giá bán sản phẩm cũng dễ hiểu do thời điểm ban đầu họ vào Việt Nam chỉ có “một mình một chợ”, đánh vào mảng kem, trà sữa giá rẻ - phân khúc đang không có đối thủ. Tuy nhiên, đến nay thì khác, họ đã có đối thủ “đáng gờm” như ToCoToCo, Cooler City…

“Các thương hiệu trên có giá rẻ hơn Mixue, đó là một trong lý do khiến họ phải thực hiện chính sách giảm giá để cạnh tranh. Và thực tế, cuộc cạnh tranh dự báo sẽ còn khốc liệt hơn trong thời gian tới”, vị này cho biết.

Nhượng quyền là hai bên cùng đi đường dài

Ông Hoàng Tùng, chuyên gia F&B chia sẻ, muốn không bị vỡ kỳ vọng thì trước tiên nhà đầu tư phải nhìn ra nhược điểm của mô hình này sẽ có rủi ro phụ thuộc bên được nhận nhượng quyền, phí đầu tư ban đầu lớn hơn bình thường nhiều…

Bên cạnh đó, một trong những điều tối kỵ mà chuyên gia Hoàng Tùng nhấn mạnh, các nhà đầu tư đừng tin vào lời chào mời mua thương hiệu của nhân viên sales. “Họ có thể nói sau 6 tháng hoàn vốn, nhưng sẽ không ai ghi điều khoản này vào hợp đồng, đây là lời hứa hẹn không có tính pháp lý”, vị này cho biết.

Ông Hoàng Tùng cảnh báo rằng, trên thị trường Việt Nam có nhiều thương hiệu thành công, nhưng cũng có nhiều thương hiệu bán theo kiểu “hớt váng, lừa đảo, đội lốt” nhượng quyền. Do vậy, người mua nhượng quyền để tránh gặp phải rủi ro thì cần nhận diện đâu là mô hình nhượng quyền tốt.

Mặt khác, thương hiệu thành công cần có sự đồng hành giữa người bán nhượng quyền và người mua nhượng quyền, hỗ trợ người mua nhượng quyền từ sản phẩm, vận hành và bán hàng. “Nhượng quyền bản chất không phải bán xong thì phủi tay, mà là hành trình hai bên đi cùng nhau”, ông Hoàng Tùng nhắn nhủ.

Luật sư Nguyễn Phó Dũng - Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho biết sự việc của Mixue chính là lời cảnh tỉnh cho những người muốn kinh doanh nhượng quyền. Khi nhà đầu tư muốn kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu cần tìm hiểu kỹ về bên nhượng quyền, hợp đồng nhượng quyền, mô hình nhượng quyền, phạm vi lãnh thổ nhượng quyền, lĩnh vực kinh doanh hoạt động nhượng quyền, các chi phí, nghĩa vụ tài chính, chấm dứt hợp đồng. 

"Hợp đồng nhượng quyền quy định chặt chẽ nên trước khi quyết định đầu tư mô hình nhượng quyền nhà đầu tư nên nhờ các chuyên gia chuyên sâu để rà soát pháp lý. Đồng thời đàm phán các nội dung hợp đồng để đảm bảo tuân thủ pháp luật và tránh những rủi ro không đáng có" - ông Dũng cho hay.

Ngoài ra, cần cân nhắc kỹ lưỡng về các chính sách nhượng quyền, không chỉ nhìn vào tiềm năng lợi nhuận, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách nhượng quyền bao gồm: Chiến lược về giá, nguyên vật liệu, khoảng cách địa lý giữa các điểm bán tối thiểu,... để không còn tình trạng “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Theo Thy Lê/vnbusiness.vn