Nhượng quyền thương mại và hợp đồng nhượng quyền thương mại theo pháp luật Việt Nam
Với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại ngày nay, đã cho ra đời nhiều phương thức kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thương nhân. Một trong những phương thức hiệu quả được nhiều thương nhân lựa chọn đó là “nhượng quyền thương mại” (tiếng Anh là “franchise”)
Tại Việt Nam hiện nay, nhượng quyền thương mại là một trong các hình thức thuộc dịch vụ phân phối bên cạnh hình thức bán buôn, bán lẻ. Bài viết làm rõ khái niệm, đặc điểm nhượng quyền thương mại và hợp đồng nhượng quyền thương mại theo pháp luật Việt Nam, đồng thời đề xuất một số khuyến nghị nhằm góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại.
1. Khái niệm về nhượng quyền thương mại và hợp đồng nhượng quyền thương mại
1.1. Khái niệm về nhượng quyền thương mại
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, nhượng quyền thương mại (NQTM) được xuất hiện qua các hình thức sơ khai đầu tiên tại các nước châu Âu vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII. Tuy nhiên, hoạt động NQTM chính thức được công nhận là khởi nguồn và phát triển tại Hoa Kỳ vào thế kỷ XIX, khi nhà máy sản xuất máy khâu Singer lần đầu tiên ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại với đối tác của họ vào năm 1851 ([1]).
Ngày nay, trên thế giới, toàn cầu hóa diễn ra nhanh và mạnh trong tất cả các lĩnh vực đã tạo điều kiện cho "làn sóng" NQTM phát triển rầm rộ trong những năm gần đây.
Ở Việt Nam, hoạt động NQTM đã xuất hiện từ trước những năm 1975, tuy nhiên chỉ mới thực sự phát triển mạnh vào những thập niên trở lại đây. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính từ năm 2007 đến năm 2019, đã có 206 doanh nghiệp với hàng trăm nhãn hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam với nhiều mô hình kinh doanh, từ sản xuất dược phẩm đến cửa hàng cho thuê xe hay đào tạo bán hàng, cửa hàng tiện lợi, mô hình giáo dục trẻ em, kinh doanh quần áo, giày dép thời trang ([2]).
Cho đến nay, NQTM là một hình thức kinh doanh đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhiều định nghĩa đã được nêu ra của nhiều trường phái khác nhau nhằm giải thích, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh nhượng quyền đạt hiệu quả.
Hiệp hội Nhượng quyền thương mại quốc tế (The International Franchise Association) đã đưa ra định nghĩa nhượng quyền thương mại như sau: “Nhượng quyền thương mại là mối quan hệ theo hợp đồng giữa bên giao và bên nhận. Theo đó, bên giao đề xuất hoặc phải duy trì sự quan tâm liên tục tới doanh nghiệp của bên nhận trên các khía cạnh như bí quyết kinh doanh, đào tạo nhân viên. Bên nhận quyền hoạt động dưới nhãn hiệu hàng hóa, phương thức, phương pháp kinh doanh do bên giao sở hữu hoặc kiểm soát và bên nhận quyền đang và sẽ tiến hành đầu tư đáng kể vốn vào doanh nghiệp bằng nguồn lực của mình” ([3]).
Như vậy, theo quan điểm của Hiệp hội Nhượng quyền thương mại quốc tế, NQTM là mối quan hệ giữa hai bên dựa trên quan hệ hợp đồng, lệ thuộc và có sự ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của từng bên.
Tại Australia, Luật về nhượng quyền thương mại có định nghĩa khá cụ thể về hoạt động NQTM, cũng như quy trình hoạt động của NQTM và đề cập cụ thể tới khoản phí nhượng quyền. Theo đó, “Nhượng quyền thương mại là thoỏa thuận một bên (bên nhượng quyền) cấp cho bên khác (bên nhận quyền) thực hiện hoạt động đề nghị giao kết hợp đồng, cung cấp hoặc phân phối hàng hóa hoặc dịch vụ trong lãnh thổ Australia theo hệ thống hoặc kế hoạch kinh doanh mà cơ bản được xác định kiểm soát hoặc đề xuất bởi bên nhượng quyền, theo đó: việc tiến hành hoạt động kinh doanh được chủ yếu gắn liền với thương hiệu, hoạt động quảng cáo hoặc biểu tượng thương mại của bên nhượng quyền. Trước khi bắt đầu kinh doanh và trong quá trình kinh doanh, bên nhận quyền phải thanh toán cho bên nhượng quyền một khoản chi phí nhượng quyền thương mại”.
Cộng đồng chung châu Âu (EC) (nay là Liên minh châu Âu - EU) chỉ ra NQTM là một "Tập hợp những quyền sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ liên quan tới nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, biển hiệu cửa hàng, giải pháp hữu ích, kiểu dáng, bản quyền tác giả, bí quyết, hoặc sáng chế sẽ được khai thác để bán sản phẩm, hoặc cung cấp dịch vụ tới người sử dụng cuối cùng". ([4])
Tại Việt Nam, NQTM được quy định bởi Luật Thương mại năm 2005, như sau: “Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh” ([5]).
Như vậy, các định nghĩa nêu trên mặc dù cách thể hiện khác nhau, nhưng đều chứa đựng những nội dung giống nhau, đó là: Một bên (bên nhượng quyền) sở hữu hoặc kiểm soát các quyền sở hữu trí tuệ hoặc công nghệ và phương thức kinh doanh; Một bên độc lập (bên nhận quyền) tiến hành kinh doanh trong đó sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ hoặc công nghệ và phương thức kinh doanh của bên nhượng quyền; Có một hợp đồng cấp quyền giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền ràng buộc hai bên trong việc cấp quyền và sử dụng các quyền được cấp; Bên nhận quyền phải trả phí cho việc được nhận quyền; Giao dịch giữa hai bên không phải là giao dịch một lần mà là giao dịch mang tính thường xuyên và liên tục trong suốt thời hạn của hợp đồng nhượng quyền.
Dưới góc độ kinh doanh, có thể hiểu NQTM cơ bản là một hoạt động thương mại nhằm mở rộng hệ thống, mô hình kinh doanh của thương nhân thông qua việc chia sẻ quyền thương mại, quy trình, bí quyết kinh doanh cho thương nhân khác. Các bên trong mối quan hệ này, căn cứ trên hệ thống pháp luật cụ thể của từng quốc gia sẽ ràng buộc nhau trên quan hệ hợp đồng giữa ít nhất hai bên. Trong đó, bên nhượng quyền đồng ý nhượng cho bên nhận quyền quyền thương mại bao gồm quyền bán, phân phối sản phẩm theo cùng mô hình kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ, bí quyết kinh doanh,... để thu một khoản phí nhượng quyền. Còn bên nhận quyền cần tuân thủ các kế hoạch kinh doanh, nhãn hiệu, quy trình kinh doanh,... do bên nhượng quyền đưa ra.
1.2. Hợp đồng nhượng quyền thương mại
Trong các khái niệm về NQTM của hầu hết các quốc gia, tổ chức đều xuất hiện vai trò quan trọng của hợp đồng nhượng quyền thương mại (HĐNQTM).
Về mặt lý luận, HĐNQTM cũng giống như các loại hợp đồng thông thường khác, đó chính là sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ NQTM làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động nhượng quyền.
Pháp luật thương mại ở các quốc gia đều có các quy phạm về HĐNQTM để điều chỉnh các mối quan hệ về nhượng quyền của các thương nhân.
Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (the US Federal Trade Commission - FTC) đưa ra khái niệm HĐNQTM là “hợp đồng theo đó Bên nhượng quyền:
- Hỗ trợ đáng kể cho Bên nhận quyền trong việc điều hành doanh nghiệp hoặc kiểm soát chặt chẽ phương pháp điều hành doanh nghiệp của Bên nhận quyền;
- Li-xăng nhãn hiệu cho Bên nhận để phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ theo nhãn hiệu hàng hóa của Bên nhượng quyền và - Yêu cầu Bên nhận quyền thanh toán cho Bên nhượng quyền một khoản phí tối thiểu”.
Trong luật dân sự của Nga, HĐNQTM được nhắc đến như sau: “Theo HĐNQTM, một bên (bên có quyền) phải cấp cho bên kia (bên sử dụng) với một khoản thù lao, theo một thời hạn, hay không thời hạn, quyền được sử dụng trong các hoạt động kinh doanh của bên sử dụng một tập hợp các quyền độc quyền của bên có quyền bao gồm, quyền đối với dấu hiệu, chỉ dẫn thương mại, quyền đối với bí mật kinh doanh, các quyền độc quyền theo hợp đồng đối với các đối tượng khác như nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ,…”. ([6])
Theo các định nghĩa này, HĐNQTM là loại hợp đồng bao hàm các đặc điểm của nhiều loại hợp đồng khác nhau.
Thứ nhất, HĐNQTM chứa đựng những yếu tố của hợp đồng li-xăng, cũng hướng đến việc chuyển giao những đối tượng của sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa,...
Thứ hai, HĐNQTM có những điểm tương đồng với hợp đồng chuyển giao công nghệ khi mà trong nội dung hợp đồng luôn xác định rõ bên nhượng quyền phải chuyển giao, cung cấp, hướng dẫn cho bên nhận quyền sử dụng, khai thác các công nghệ đi kèm cũng như các tài liệu hướng dẫn vận hành công nghệ đó.
Thứ ba, HĐNQTM cũng mang dáng dấp của hợp đồng cung ứng dịch vụ, hàng hóa; đại lý phân phối.
Nhìn chung HĐNQTM là một tập hợp các thỏa thuận của các chủ thể, trong đó các bên phải đề cập ít nhất một số vấn đề chủ yếu như: Sự chuyển giao của các yếu tố của quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ từ bên nhượng quyền sang bên nhận quyền nhằm mục đích thực hiện hoạt động kinh doanh, kiếm lợi nhuận. Bên nhượng quyền có nghĩa vụ hỗ trợ bên nhận quyền trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Các nghĩa vụ của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền thường liên quan đến các vấn đề đào tạo, chuyển giao công nghệ, hạn chế cạnh tranh.
Tại Việt Nam, pháp luật thương mại không đưa ra định nghĩa về HĐNQTM. Điều 285 Luật Thương mại năm 2005, với tiêu đề “hợp đồng nhượng quyền thương mại” chỉ quy định về hình thức của HĐNQTM, theo đó: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Vậy, có thể hiểu HĐNQTM là một loại hợp đồng được các thương nhân giao kết trong quá trình thực hiện hoạt động NQTM, là sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ NQTM làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động nhượng quyền và cũng chính là căn cứ, cơ sở để giải quyết tranh chấp có thể sẽ phát sinh giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vì vậy, HĐNQTM phải có những đặc điểm chung của hợp đồng được quy định ở Bộ luật Dân sự. HĐNQTM phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật dân sự đặt ra đối với một giao dịch dân sự. Đồng thời, HĐNQTM thể hiện bản chất của giao dịch NQTM (như được quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005).
Mặc dù Luật Thương mại năm 2005 không đưa ra định nghĩa cụ thể về HĐNQTM, nhưng tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, quy định chi tiết Luật Thương mại năm 2005 về hoạt động NQTM lại đưa ra định nghĩa về các dạng đặc biệt của HĐNQTM như “Hợp đồng phát triển quyền thương mại” ([7]) hoặc “hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp” ([8]). Đây là các biến thể của HĐNQTM, thể hiện sự đa dạng về hình thức và phương thức NQTM. Có thể thấy, việc đưa ra định nghĩa cụ thể về những dạng biến thể này là cần thiết. Tuy nhiên, khi giải thích về nghĩa của cả hai biến thể nói trên, các nhà làm luật vẫn sử dụng thuật ngữ “hợp đồng nhượng quyền thương mại” để làm cầu nối.
Việc pháp luật thương mại không đưa ra định nghĩa về HĐNQTM mà lại dùng chính thuật ngữ này để giải thích cho các thuật ngữ khác có liên quan là chưa đảm bảo tính hệ thống và tính chính xác cần phải có đối với các quy định pháp luật trong bối cảnh hiện nay.
Trong quan hệ hợp đồng nhượng quyền, tồn tại hai chủ thể, đó là bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Về cơ bản, HĐNQTM chính là những thỏa thuận của hai chủ thể này về nội dung của hoạt động nhượng quyền. Do NQTM là hoạt động thương mại đặc thù, vì vậy, pháp luật thương mại Việt Nam cũng như hầu hết luật pháp các quốc gia đều quy định chủ thể của quan hệ nhượng quyền phải là thương nhân, có thẩm quyền kinh doanh và có quyền hoạt động thương mại phù hợp với đối tượng được nhượng quyền ([9]). Những đặc trưng về chủ thể này của HĐNQTM làm cho HĐNQTM có những đặc điểm khác biệt so với các loại hợp đồng khác.
Theo đó, quan hệ nhượng quyền không chỉ dừng lại giữa một bên nhượng quyền và một bên nhận quyền mà còn có thể xuất hiện thêm nhiều bên nhận quyền khác nữa tạo thành một hệ thống NQTM. Bên nhận quyền thứ hai là bên nhận lại quyền kinh doanh thương mại của bên nhượng quyền từ bên nhận quyền thứ nhất.
Trong trường hợp này, các bên lại phải có những thoỏa thuận, phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên, nhất là bên nhượng quyền. Như vậy, dưới góc độ pháp luật, bên nhượng quyền trong HĐNQTM là thương nhân cấp quyền thương mại, bao gồm cả bên nhượng quyền thứ nhất và bên nhượng lại quyền. Bên nhận quyền là thương nhân nhận quyền thương mại để khai thác, kinh doanh, bao gồm cả bên nhận quyền thứ nhất (bên nhận quyền sơ cấp) và bên nhận quyền thứ hai (bên nhận quyền thứ cấp).
Đối với Việt Nam, pháp luật thương mại cũng đã ghi nhận các đối tượng có thể trở thành chủ thể của một quan hệ NQTM, bao gồm: bên nhượng quyền, bên nhận quyền, bên nhượng quyền thứ cấp, bên nhận quyền sơ cấp và bên nhận quyền thứ cấp ([10]). Theo đó, hoạt động NQTM được thực hiện dưới nhiều hình thức. Ở hình thức cơ bản nhất, tồn tại các bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Tuy nhiên, ở hình thức phức tạp hơn, các bên nhận quyền sơ cấp được thực hiện việc nhượng lại quyền thương mại cho các bên nhận quyền thứ cấp và trở thành bên nhượng quyền thứ cấp. Quy định này đáp ứng được tính đa dạng với nhiều biến thể mà hoạt động NQTM chứa đựng.
Về nội dung của HĐNQTM, đó chính là toàn bộ những thỏa thuận của các bên chủ thể về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể xoay quanh đối tượng của loại hợp đồng này - “Quyền thương mại”. Đây là lợi ích mà các bên trong quan hệ nhượng quyền đều hướng tới. Về cơ bản, quyền thương mại bao gồm: tên thương mại, công nghệ, bí quyết kinh doanh, quy trình kinh doanh, nhãn hiệu hàng hoá, tài liệu hướng dẫn,…
Pháp luật thương mại Việt Nam quy định HĐNQTM có 6 nội dung chính mà các thương nhân cần đảm bảo khi giao kết hợp đồng nhượng quyền, bao gồm:
- Nội dung của quyền thương mại;
- Quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền;
- Quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền;
- Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán;
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng;
- Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp ([11]).
Trong số các nội dung trong HĐNQTM, nội dung về “Quyền thương mại” là nội dung cốt lõi và vô cùng quan trọng, cần được lưu ý. Bởi quyền thương mại chính là đối tượng của HĐNQTM. Các điều khoản của HĐNQTM đều xoay quanh việc được sử dụng, nhượng quyền các đối tượng này. Việc chỉ ra các nội dung của quyền thương mại; các đối tượng nhượng quyền, nếu càng cụ thể, càng chi tiết bao nhiêu thì hợp đồng càng rõ ràng bấy nhiêu, các bên càng phân định được rạch ròi phạm vi sử dụng quyền thương mại của mình, càng tránh được các xung đột, tranh chấp có thể xảy ra.
Ở các nước khác nhau, với cái nhìn không đồng nhất về hoạt động NQTM, “Quyền thương mại” mà một thương nhân có thể đem nhượng cho một thương nhân khác có nội dung rộng, hẹp khác nhau. Với xu hướng phát triển của hoạt động thương mại ngày nay, khi mà bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sôi động, chắc chắn rằng, đối tượng của hoạt động NQTM sẽ ngày càng được mở rộng hơn nữa.
Hiện nay, theo pháp luật thương mại Việt Nam, quyền thương mại bao gồm một, một số hoặc tất cả các quyền sau đây:
- Quyền được Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ theo một hệ thống do Bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của Bên nhượng quyền;
- Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền sơ cấp quyền thương mại chung;
- Quyền được Bên nhượng quyền thứ cấp cấp lại cho Bên nhận quyền thứ cấp theo HĐNQTM chung;
- Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền quyền thương mại theo hợp đồng phát triển quyền thương mại. ([12])
Có thể thấy, pháp luật thương mại Việt Nam tuy liệt kê khá chi tiết các nội dung của quyền thương mại, nhưng chưa đưa ra khái niệm để nêu bật được những đặc trưng của “Quyền thương mại”.
Xét về bản chất, “quyền thương mại” là sự kết hợp toàn diện, không phân tách tất cả các yếu tố của quyền sở hữu trí tuệ trong một thể thống nhất. Vì vậy, hoạt động NQTM mang đặc trưng chính là sự chia sẻ quyền khai thác trên cùng một tên thương mại, tạo nên một hệ thống bán hàng, cung cấp dịch vụ đồng bộ giữa các thương nhân với những tư cách pháp lý độc lập và hoàn toàn khác biệt. Xuất phát từ bản chất đó, khi giao kết HĐNQTM, các bên cần thiết phải cân nhắc những yếu tố sẽ được nhắc đến và kết hợp trong “quyền thương mại”.
Bên cạnh nội dung về quyền thương mại, nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên (bên nhượng quyền và bên nhận quyền) cũng là một nội dung quan trọng, chính yếu của HĐNQTM. Đây rõ ràng là nội dung rất quan trọng và không thể thiếu, nó giúp các bên phân định rõ quyền và trách nhiệm của từng bên khi tham gia vào quan hệ nhượng quyền.
Theo Luật Thương mại năm 2005, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các quyền sau đây:
1. Nhận tiền nhượng quyền;
2. Tổ chức quảng cáo cho hệ thống NQTM và mạng lưới NQTM;
3. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống NQTM và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ ([13]).
Việc Luật Thương mại đưa ra các khung quy định cơ bản, quy định rõ ràng về quyền của bên nhượng quyền đã giúp cho các thương nhân nhượng quyền dựa vào đó đàm phán, đảm bảo quyền lợi cơ bản, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trong quan hệ nhượng quyền.
Cùng với đó, xuất phát từ bản chất của giao dịch nhượng quyền, thương nhân nhượng quyền cũng có các nghĩa vụ đặc trưng phải thực hiện khi tham gia vào mối quan hệ này.
Luật Thương mại năm 2005 quy định: trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các nghĩa vụ sau đây:
1. Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống NQTM cho bên nhận quyền;
2. Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống NQTM;
3. Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;
4. Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;
5. Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống NQTM ([14]).
Ở chiều ngược lại, thương nhân nhận quyền cũng có các quyền và nghĩa vụ của mình.
Luật Thương mại năm 2005 quy định: trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống NQTM;
2. Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống NQTM ([15]).
3. Quy định về quyền của bên nhận quyền trong Luật Thương mại không đưa ra một quy chuẩn hay giới hạn nhất định. Hai quy định này chỉ mang tính chất định hướng, khung quy định chung. Do đó, với nội dung này của HĐNQTM, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể và thỏa thuận của các bên để đưa ra nội dung cụ thể cho quyền này của bên nhận quyền.
Song song đó, cũng theo Luật Thương mại năm 2005, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các nghĩa vụ sau đây:
1. Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo HĐNQTM;
2. Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;
3. Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;
4. Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi HĐNQTM kết thúc hoặc chấm dứt;
5. Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt HĐNQTM;
6. Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống NQTM;
7. Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền ([16]).
Các quy định của Luật Thương mại 2005 đã chỉ rõ các quy định về nghĩa vụ của bên nhận quyền. Bên nhận quyền nhận được quyền sử dụng các quyền thương mại, được bên nhượng quyền đào tạo, hỗ trợ,... đồng thời bên nhận quyền cũng cần hiểu và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên nhượng quyền.
Bên cạnh những nội dung quan trọng nêu trên, pháp luật thương mại Việt Nam cũng đưa ra các khung quy định cơ bản về: giá cả, phí nhượng quyền, phương thức thanh toán, thời hạn hiệu lực hợp đồng, gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp HĐNQTM. Theo đó:
- Về giá cả, phí nhượng quyền, phương thức thanh toán.
Phí nhượng quyền là khoản tiền mà bên nhận quyền phải thanh toán cho bên nhượng quyền để được sử dụng các quyền thương mại, các bí quyết kinh doanh của bên nhượng quyền. Pháp luật không có quy định cụ thể cho khoản phí này. Mức phí, phương thức thanh toán, thời gian thanh toán do các bên tự thỏa thuận.
- Về thời hạn hiệu lực hợp đồng.
Pháp luật thương mại không quy định về thời gian tối đa hoặc tối thiểu của thời hạn hợp đồng. Thời hạn hiệu lực hợp đồng do các bên tự thỏa thuận tùy theo nhu cầu và đặc điểm của ngành, lĩnh vực kinh doanh đảm bảo thời hạn hợp đồng sao cho phù hợp để đem lại lợi ích cho cả bên nhận quyền và bên nhượng quyền.
- Về gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
Ở nội dung này, pháp luật thương mại Việt Nam không quy định cụ thể. Tuy nhiên việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên nhận quyền được quy định chi tiết tại Điều 16, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP. Theo đó, “Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong trường hợp Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 287 của Luật Thương mại”.
Việc quy định về nội dung HĐNQTM của pháp luật thương mại Việt Nam chỉ mang tính chất gợi mở, không có tính bắt buộc đối với các bên tham gia hợp đồng. Ngoài các nội dung chính nêu trên, các bên có thể tự thỏa thuận các điều khoản được cho là quan trọng trong việc ràng buộc nghĩa vụ và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia nhượng quyền.
2. Một số nhận định và khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại
Để góp phần hoàn thiện pháp luật về HĐNQTM, tác giả có một số nhận định và đề xuất khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, về khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Luật Thương mại năm 2005 không đưa ra định nghĩa về HĐNQTM, nhưng trong Nghị định hướng dẫn và quy định chi tiết Luật Thương mại - Nghị định số 35/2006/NĐ-CP lại có đưa ra các biến thể của HĐNQTM: Hợp đồng phát triển quyền thương mại và Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp. Các loại hợp đồng này được giải thích thông qua khái niệm về quyền thương mại và HĐNQTM. Sự phân loại một cách gián tiếp và nội dung của các loại hợp đồng này không được làm rõ, không chỉ rõ được quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền thứ cấp cũng như bên nhượng quyền thứ cấp.
Do đó, khái niệm HĐNQTM cần được bổ sung vào Luật Thương mại và làm rõ theo hướng: (1) Đưa ra định nghĩa “Hợp đồng nhượng quyền thương mại” trên cơ sở các quy định của pháp luật về hợp đồng và những đặc trưng cơ bản của hoạt động NQTM (Định nghĩa HĐNQTM cần đảm bảo sự phù hợp với các quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng và chỉ ra được những đặc trưng cơ bản của hoạt động NQTM); (2) Từ định nghĩa “Hợp đồng nhượng quyền thương mại”, có thể đưa ra sự phân loại một cách trực tiếp hay gián tiếp các loại HĐNQTM. Đồng thời, cần chỉ ra quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên nhượng quyền sơ cấp, nhận quyền sơ cấp, nhượng quyền thứ cấp, nhận quyền thứ cấp.
Thứ hai, về đối tượng của hợp đồng là “Quyền thương mại”.
Tại Nghị định hướng dẫn và quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động NQTM - Nghị định số 35/2006/NĐ-CP có quy định về Quyền thương mại, nhưng chưa đưa ra khái niệm về “Quyền thương mại”. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện cho hoạt động NQTM, chúng ta cần bổ sung khái niệm “Quyền thương mại” vào hệ thống pháp luật thương mại Việt Nam.
Theo khái niệm “quyền thương mại” (franchise) của Hiệp ước Cộng đồng chung châu Âu: “Quyền thương mại là một gói các quyền sở hữu công nghiệp hoặc sở hữu trí tuệ có liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, dấu hiệu cửa hàng, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bản quyền, bí quyết kinh doanh hoặc bằng sáng chế, được khai thác nhằm phân phối hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tới người tiêu dùng”. Vậy, khi quy định về “Quyền thương mại”, chúng ta nên tiếp thu từ định nghĩa của các quy định quốc tế để từ đó nêu bật được đặc trưng cơ bản của quyền thương mại. Cùng với đó, cần nêu ra các yếu tố cụ thể có trong quyền thương mại như “các quyền sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, thiết kế, bản quyền, bí quyết kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế”.
Việc pháp luật thương mại đưa ra định nghĩa về “Quyền thương mại”, trong đó nêu bật được những đặc trưng của quyền thương mại sẽ giúp các thương nhân xác định rõ đối tượng của HĐNQTM khi tham gia vào giao dịch nhương quyền, đặc biệt là trong một số lĩnh vực kinh doanh, cung ứng dịch vụ cụ thể riêng biệt.
Thứ ba, xác định rõ phạm vi, cách thức thực hiện quyền kiểm soát và nghĩa vụ trợ giúp kỹ thuật của bên nhượng quyền.
Pháp luật thương mại Việt Nam đã có quy định về quyền kiểm soát của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền. Tuy nhiên, cần chỉ rõ bên nhượng quyền được quyền kiểm soát, cũng như có nghĩa vụ trợ giúp bên nhận quyền trong những công việc gì, lĩnh vực nào một cách hợp lý. Nên quy định theo hướng cho phép bên nhượng quyền được quyền kiểm soát đối với những hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền; và bên nhượng quyền chỉ được kiểm soát theo cách thức mà các bên đã thống nhất trong HĐNQTM. Bên cạnh đó, cũng cần quy định phạm vi giới hạn kiểm soát, bên nhượng quyền không được làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của bên nhận quyền khi thực hiện việc kiểm soát.
Cùng với đó, xuất phát từ đặc trưng của hoạt động nhượng quyền thương mại, pháp luật thương mại cần quy định: Nghĩa vụ trợ giúp kỹ thuật của bên nhượng quyền (như quy định tại Khoản 2 Điều 284 Luật Thương mại năm 2005) là nghĩa vụ bắt buộc của bên nhượng quyền, không phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên trong HĐNQTM.
Thứ tư, cần quy định căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên nhận quyền hợp lý hơn.
Căn cứ đơn phương chấm dứt HĐNQTM của bên nhận quyền theo quy định của pháp luật thương mại Việt Nam hiện nay không thể hiện sự bình đẳng giữa các chủ thể trong quan hệ nhượng quyền khi cho phép: “Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt HĐNQTM trong trường hợp Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 287 của Luật Thương mại” ([17]). Rõ ràng, với quy định như vậy sẽ rất dễ để bên nhận quyền lạm dụng đơn phương chấm dứt HĐNQTM bất cứ khi nào. Vì vậy, cần sửa đổi, quy định theo hướng, sự vi phạm nghĩa vụ của bên nhượng quyền quy định tại Điều 287 Luật Thương mại đến mức độ nào để được coi là căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên nhận quyền sao cho đảm bảo được tính hợp lý và cân bằng.
Tóm lại, HĐNQTM đã được pháp luật Việt Nam quy định khá cụ thể và chi tiết, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với hình thức kinh doanh này. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần sửa đổi để pháp luật về HĐNQTM của Việt Nam phù hợp và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn và đồng bộ với pháp luật quốc tế.
Tài liệu trích dẫn:
([1]) Nguyễn Thanh Hương (2007), Nhượng quyền thương hiệu đôi điều suy nghĩ, Tạp chí Phát triển Kinh tế, số 202.
([2])Bộ Công Thương (2022). Nhượng quyền thương mại vào Việt Nam. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/nhuong-quyen-thuong-mai.
([3])Bộ nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế (2004), Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế. Truy cập tại: http://www.vietnambranding.com/kien-thuc/tong-quan-thuong-hieu/5401/Mot-so-khai-niem-nhuong-quyen-thuong-mai-tren-the-gioi.
([4])Chính phủ (2011). Nghị định số 38/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004, Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 và Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005. Truy cập tại: http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2009/02/27/2397/.
([5]) Điều 284 Luật Thương mại năm 2005.
([6])Bộ nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế (2004), Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế. Truy cập tại: http://www.vietnambranding.com/kien-thuc/tong-quan-thuong-hieu/5401/Mot-so-khai-niem-nhuong-quyen-thuong-mai-tren-the-gioi
([7]) Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP
([8]) Khoản 10 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP
([9]) Điều 5, Điều 6 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động
nhượng quyền thương mại
([10]) Khoản 1,2,3,4,5 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP
([11]) Điều 11 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP
([12]) Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP
([13]) Điều 286 Luật Thương mại năm 2005
([14]) Điều 287 Luật Thương mại năm 2005
([15]) Điều 288 Luật Thương mại năm 2005
([16]) Điều 289 Luật Thương mại năm 2005
([17]) Điều 16 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Thương mại năm 2005.
2. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015;
3. Quốc hội (2009), Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009;
4. Quốc hội (2017), Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017;
5. Chính phủ (2006), Nghị định số 35/2006/NĐ - CP của Chính phủ ban hành ngày 31/03/2006 quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại;
6. Nguyễn Thanh Hương (2007), Nhượng quyền thương hiệu đôi điều suy nghĩ, Tạp chí Phát triển Kinh tế, số 202;
7. Bộ Công Thương (2022). Nhượng quyền thương mại vào Việt Nam. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/nhuong-quyen-thuong-mai;
8. Bộ nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế (2004), Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế. Truy cập tại: http://www.vietnambranding.com/kien-thuc/tong-quan-thuong-hieu/5401/Mot-so-khai-niem-nhuong-quyen-thuong-mai-tren-the-gioi;
9. Chính phủ (2011). Nghị định số 38/2011/NĐ-CP ngày 26/5/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/ 2004, Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 và Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005. Truy cập tại: http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2009/02/27/2397;
10. Phạm Tấn Ánh (2017), Pháp luật về hạn chế cạnh tranh trong hoạt đông nhượng quyền thương mại tại Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.