Rắc rối chuyển nhượng quyền mua cổ phần khi tăng vốn
Khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần, cổ đông hiện hữu không có nhu cầu mua thêm có thể chuyển nhượng quyền mua cho cổ đông bên ngoài. Chuyện tưởng như đơn giản, nhưng nếu không tính toán trước có thể phát sinh tranh chấp sau này.
Lấy ví dụ từ trường hợp của CTCP Seatecco (trụ sở tại TP. Đà Nẵng), việc chuyển nhượng quyền mua từ đợt phát hành tăng vốn năm 2017 dẫn đến tranh chấp kéo dài đến hiện tại. Một số nhà đầu tư đã khởi kiện, yêu cầu tòa án buộc Seatecco phải công nhận tư cách cổ đông của mình. Vì liên quan đến yếu tố quyền lợi, tòa án phải giải quyết từng vụ kiện của từng nhà đầu tư.
Theo hồ sơ vụ việc, để tăng vốn điều lệ, Seatecco phát hành thêm 300.000 cổ phần cho cổ đông hiện hữu, giá trị phát hành theo mệnh giá (100.000 đồng/cổ phần) là 30 tỷ đồng.
Lúc này, cổ đông hiện hữu được quyền mua thêm cổ phần theo tỷ lệ Công ty quy định tương ứng với số cổ phần đang nắm giữ, nếu không muốn thực hiện quyền mua có thể chuyển nhượng cho nhà đầu tư có nhu cầu.
Có 4 cổ đông của Seatecco chuyển nhượng quyền mua cho người không phải là cổ đông hiện hữu.
Seatecco viện dẫn công văn hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng: “Trường hợp chuyển nhượng quyền mua cho những người không phải là cổ đông hiện hữu của Công ty là chào bán cho cổ đông mới, nên thực hiện theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ (đối với công ty cổ phần chưa niêm yết) theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.
Từ đó, Seatecco cho rằng, việc quyết định chào bán cổ phần riêng lẻ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) và đưa ra lấy ý kiến tại cuộc họp cổ đông năm 2018 về việc chào bán cho cổ đông mới phát sinh từ việc chuyển nhượng quyền mua.
Tại cuộc họp này, cổ đông của Seatecco đã phủ quyết việc bán cổ phần cho những người không phải là cổ đông hiện hữu, trong khi họ đã nộp tiền mua cổ phần và Seatecco đã phát hành phiếu thu, từ đó xảy ra tranh chấp.
Những cổ đông mới này không chấp nhận quyết định của Seatecco và khởi kiện ra tòa.
Luật sư Hồ Anh Khoa (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Luật Chứng khoán quy định rõ 2 loại hình phát hành cổ phiếu là phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Việc phát hành ra công chúng đòi hỏi nhiều điều kiện về mức vốn điều lệ, hiệu quả kinh doanh, phương án phát hành và sử dụng vốn, cam kết niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, đơn vị tư vấn...
Đối với phát hành riêng lẻ, công ty đại chúng thực hiện cần đáp ứng những yêu cầu nhất định như phải có quyết định của ĐHCĐ, phương án phát hành và sử dụng tiền thu được, xác định rõ đối tượng và số lượng nhà đầu tư. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan quản lý hoạt động phát hành.
Trong trường hợp của Seatecco không phải là công ty đại chúng, việc chào bán riêng lẻ được quy định tại Điều 10A - Luật Chứng khoán.
Theo đó, việc chào bán thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hiện Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rõ ràng cho hoạt động phát hành riêng lẻ và phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Về thủ tục, khi chào bán riêng lẻ, doanh nghiệp phải thông báo và gửi kèm hồ sơ về đợt chào bán tới cơ quan quản lý kinh doanh trước khi thực hiện.
Nếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, doanh nghiệp phải gửi thông báo cho cổ đông trước khi hết hạn đăng ký mua tối thiểu 15 ngày. Sau khi thực hiện chào bán, công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh.
“Khoản 2, Điều 124 - Luật Doanh nghiệp 2014 về chào bán cho cổ đông hiện hữu quy định, cổ đông có quyền chuyển nhượng quyền mua cổ phần cho người khác, song lại không đề cập đến người mua có phải là cổ đông hiện hữu hay không?”, luật sư Khoa nói.
Tuy nhiên, theo Điều 6 - Luật Chứng khoán, quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.
Theo luật sư Khoa, trong việc phát hành thêm, luật pháp trao quyền cho ĐHCĐ hoặc hội đồng quản trị công ty tùy trường hợp, nên phương án phát hành phụ thuộc vào doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể vận dụng quy định pháp luật để đảm bảo việc phát hành đáp ứng những điều kiện xác định trước, chẳng hạn không thay đổi đặc điểm, loại hình doanh nghiệp.
Trong trường hợp công ty không phải là công ty đại chúng, việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần cho nhà đầu tư bên ngoài có thể làm gia tăng số lượng cổ đông, làm thay đổi tính chất doanh nghiệp (trở thành công ty đại chúng).
Do đó, khi lên phương án phát hành, doanh nghiệp cần tính đến việc chuyển nhượng quyền mua, xử lý cổ phần không mua hết... để đảm bảo không làm thay đổi tính chất doanh nghiệp, tránh tranh chấp phát sinh sau này.