Cập nhật chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2018
Cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu; Dừng khuyến mại 50% thẻ nạp cho thuê bao di động trả trước; Giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2018.
Có hiệu lực từ 25/3/2018, Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó bổ sung quy định cơ chế xử lý rủi ro trong chính sách tín dụng. Theo đó, cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.
Chính sách cho vay vốn lưu động cũng được sửa đổi. Cụ thể, đối tượng được vay vốn là chủ tàu khai thác hải sản xa bờ; chủ tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (gọi chung là khách hàng). Việc cho vay vốn lưu động do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xem chi tiết tại đây
Dừng khuyến mại 50% thẻ nạp cho thuê bao di động trả trước
Theo Thông tư 47/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất có hiệu lực thi hành từ 1/3/2018, mức tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động có sự thay đổi như sau: Đối với thuê bao di động trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động (giảm tới 30% so với quy định hiện hành); đối với thuê bao di động trả sau vẫn được hưởng nguyên mức khuyến mại là không được vượt quá 50% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động.Xem chi tiết tại đây
Quy định mới về giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán
Ngày 19/12/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 134/2017/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch điện tử trên TTCK (Thông tư 134), thay thế Thông tư 87 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2018.Về bố cục, Thông tư 134 bao gồm 5 Chương, 20 Điều và 8 Phụ lục kèm theo. Về nội dung, Thông tư 134 đã kế thừa một số nội dung quy định tại Thông tư 87 và có bổ sung, thay thế một số nội dung mới như sau:
Đối tượng áp dụng: Ngoài những đối tượng được quy định tại Thông tư 87, Thông tư 134 có bổ sung thêm các đối tượng như: thành viên bù trừ, thành viên lưu ký, văn phòng đại diện, ngân hàng thương mại, đại lý phân phối chứng chỉ quỹ… (Điều 2, Thông tư 134).
Yêu cầu về dịch vụ: Thông tư 134 bổ sung quy định yêu cầu về dịch vụ đối với SGDCK và VSD, bổ sung và thay thế một số nội dung về yêu cầu dịch vụ đối với CTCK, công ty quản lý quỹ (CTQLQ)… Những yêu cầu mới này được thể hiện ở Điều 5, Thông tư 134..Xem chi tiết tại đây
5 trường hợp thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức
Theo Thông tư 01/2018/TT-BNV ngày 8/1/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành từ 1/3/2018, cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc bị thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng trong 5 trường hợp sau: 1- Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập; 2- Cấp cho người không đủ điều kiện; 3- Cấp không đúng thẩm quyền; 4- Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa; 5- Để cho người khác sử dụng.Xem chi tiết tại đây