Cấp thiết nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về năng suất, chất lượng

Cẩm An

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới phải phải đẩy mạnh hoạt động đào tạo, phổ biến, tuyên truyền… giúp doanh nghiệp nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nâng cao năng suất, chất lượng.

Bên cạnh những doanh nghiệp thích ứng nhanh và tích cực tham gia để cải tiến năng suất, chất lượng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ với vấn đề này. Ảnh: Internet
Bên cạnh những doanh nghiệp thích ứng nhanh và tích cực tham gia để cải tiến năng suất, chất lượng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ với vấn đề này. Ảnh: Internet

Công ty cổ phần May Nam Hà (Nam Định) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong ngành dệt may Việt Nam. Doanh nghiệp này đã áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến như: ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean 6 Sigma, Kaizen... 

Hiện nay, Công ty cũng triển khai thiết kế phần mềm chuyên dụng nhằm xây dựng quy trình cải tiến năng suất chuyền may giúp sản xuất thực tế tăng từ 70% lên 85% so với kế hoạch ban đầu, góp phần tăng năng suất lao động chung lên 30%.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng giúp rất nhiều doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa,  từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thích ứng nhanh và tích cực tham gia để cải tiến năng suất, chất lượng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ với vấn đề này.

Một số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia các dự án về năng suất, chất lượng tại địa phương, gặp gỡ và được sự tư vấn của cơ quan quản lý, các chuyên gia năng suất, chất lượng nhưng sau đó lại hủy với nhiều lý do như: Cán bộ, công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu; sợ thay đổi, làm xáo trộn hoạt động; chưa sẵn sàng đầu tư kinh phí đối ứng cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước để cải tiến doanh nghiệp; không bố trí được nhân lực cũng như thời gian để triển khai; phải thực hiện nhiều thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu khi tham gia dự án…

Các chuyên gia năng suất, chất lượng cho rằng, trong thời gian tới, ngành khoa học - công nghệ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; tiếp tục khảo sát nhu cầu, đánh giá thực trạng năng suất, chất lượng, hoạt động cải tiến năng suất của doanh nghiệp trên cả nước để nghiên cứu, tham mưu cho các UBND tỉnh về cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, phải tiếp tục nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về năng suất, chất lượng thông qua hoạt động đào tạo, phổ biến, tuyên truyền…, giúp doanh nghiệp cũng như cán bộ của các cơ quan quản lý nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành được phong trào năng suất, chất lượng trên địa bàn toàn quốc với mọi loại hình doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về tài chính và tham vọng cải tiến năng suất, chất lượng sẽ được ưu tiên để hỗ trợ một cách toàn diện, xây dựng mô hình điểm để rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng...