Cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng - gánh nặng của Janet Yellen
(Tài chính) Chương trình nới lỏng định lượng (QE) được khởi xướng bởi Chủ tịch Fed Ben Bernanke, và ông đã thông báo về taper trong cuộc họp cuối cùng trên cương vị Chủ tịch Fed. Nhiệm vụ thu hẹp QE đổ lên vai của Janet Yellen.
Kể từ tháng 5, khi Chủ tịch Fed Ben Bernanke lần đầu tiên nhắc tới việc thu hẹp quy mô chương trình kích thích kinh tế lớn chưa từng có, “taper” (giảm dần cho đến hết) là từ được nhắc đến nhiều nhất khi thảo luận về chính sách của Fed.
Hiểu một cách đơn giản, taper có nghĩa là thu hẹp sự can thiệp tài chính mạnh mẽ nhất trong lịch sử của Fed: sau khi nền kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng và rơi tự do năm 2008, trong 5 năm qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã quyết định đầu tư tổng cộng 3.000 tỷ USD (tương đương quy mô nền kinh tế Đức) thông qua chương trình mua trái phiếu hàng tháng nhằm vực dậy nền kinh tế.
Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về động thái này của Fed, với câu hỏi liệu chương trình này có thể giải cứu thế giới hay chỉ thổi bùng lên những bong bóng mới. Tuy nhiên, không ai đặt ra câu hỏi về những hiểm họa khi chương trình này kết thúc. Đối với nhà đầu tư và các NHTW trên toàn thế giới, rõ ràng taper là một từ đáng sợ.
Gánh nặng của Janet Yellen
Trong cuộc họp chính sách vừa kết thúc, các quan chức Fed đã thông báo thời gian bắt đầu thực hiện taper, nhưng với tốc độ khiêm nhường. Chương trình nới lỏng định lượng (QE) vẫn sẽ được tiếp tục, nhưng 85 tỷ USD mỗi tháng giảm xuống còn 75 tỷ USD.
QE được khởi xướng bởi Chủ tịch Fed Ben Bernanke, và ông đã thông báo về taper trong cuộc họp cuối cùng trên cương vị Chủ tịch Fed. Nhiệm vụ thu hẹp QE đổ lên vai của Janet Yellen – người được Tổng thống Barack Obama chọn là người kế nhiệm Bernanke. Fed nhấn mạnh rằng QE sẽ được giảm tốc rất từ từ, và lãi suất vẫn tiếp tục ở mức gần 0.
Các thị trường phản ứng ra sao với taper là mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. Lời nói của Bernanke hồi tháng 5 đã khiến lãi suất thế chấp tăng vọt. Các chương trình tương tự như QE cũng đang được thực hiện ở Anh và Nhật.
Bối cảnh
Ý tưởng đằng sau QE là bạn không cần phải in tiền để bơm thêm tiền vào một nền kinh tế đang ốm yếu. Phương pháp thông thường của Fed để chống lại suy thoái là hạ lãi suất liên ngân hàng, qua đó các ngân hàng có thể cung cấp những khoản vay rẻ hơn đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lãi suất đã ở mức gần 0 và không thể giảm hơn được nữa. Bởi vậy, Fed bắt đầu mua trái phiếu với hi vọng có thể hạ lãi suất dài hạn – nhân tố mà Fed thường không kiểm soát được.
Đây không phải là một ý tưởng mới, nhưng chưa bao giờ được thực hiện trên quy mô lớn đến vậy. Kể từ tháng 9/2012, Fed đã mua vào 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng. Không giống như các vòng nới lỏng định lượng trước đó, QE3 được mô tả là có kết thúc mở, tức là sẽ được tiếp tục cho đến khi thị trường lao động phục hồi một cách bền vững. Ý tưởng ở đây là sẽ từ từ giảm dần tốc độ mua trái phiếu. Fed vẫn tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế nhưng với mức độ giảm dần. Dẫu vậy, vấn đề lớn nhất là làm thế nào có thể thuyết phục thị trường rằng taper hoàn toàn khác với chấm dứt QE.
Tranh cãi
Ngay từ khi chương trình nới lỏng định lượng đầu tiên được triển khai, các nhà phê bình đã cảnh báo rằng QE sẽ tạo nên lạm phát. Tuy nhiên, họ đã lầm. Chỉ số giá tiêu dùng của nước Mỹ đã giảm xuống trong tháng 12, khiến tỷ lệ lạm phát trong 1 năm chỉ ở mức 1% - bằng một nửa so với mức mà Fed cho là an toàn.
Những người khác cho rằng QE gây nên bong bóng trên thị trường chứng khoán và nhà đất. Cũng có nhiều tranh cãi về tính hiệu quả của QE. Một số chuyên gia cho rằng hiệu quả là rất khiêm tốn.
Andrew Huzar – một cựu quan chức của Fed và là người phản đối QE, cho rằng QE là một “cuộc đảo chính” của phố Wall và có rất ít tác dụng đối với “phố Chính”.
Trong khi đó, Janet Yellen cho rằng những thiệt hại đối với người tiết kiệm đáng để bù đắp cho sự phục hồi của thị trường lao động và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng QE không thể tồn tại mãi mãi.
Động thái hôm qua của Fed không phải là dấu chấm hết cho taper, nhưng đó là bước khởi đầu của sự chấm hết dành cho QE.