Thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Nhằm tìm ra nguyên nhân các hộ kinh doanh cá thể không sẵn sàng chuyển đổi sang doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2018, nhóm tác giả tiến hành thu thập dữ liệu thứ cấp từ các báo cáo của Cục Thống kê, Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cùng với 300 hộ kinh doanh cá thể tại 7 huyện, thành phố trên địa bàn Tỉnh. Các phương pháp thống kê mô tả, so sánh đã được sử dụng để phân tích và đánh giá thực trạng chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, nhận diện một số khó khăn, tồn tại trong quá trình chuyển đổi. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian tới.
Hộ gia đình (tham gia sản xuất, kinh doanh) là lực lượng không thể thiếu của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Xác định rõ vai trò quan trọng của hộ kinh doanh (HKD) trong quá trình đổi mới phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện phát triển khu vực HKD.
Chuyển đổi HKD thành doanh nghiệp (DN) là chủ trương vừa có lợi cho DN chuyển đổi lại vừa có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, làm sao để HKD không ngại "lớn" là bài toán không đơn giản, nhất là đối với cơ quan Thuế và các cấp chính quyền.
Mục tiêu đề ra năm 2020, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đạt 5.000 DN. Tuy nhiên, theo Báo cáo kinh tế - xã hội của UBND tỉnh Sóc Trăng thì đến cuối năm 2018 Tỉnh có 2.602 DN. Con số này còn cách xa so với mục tiêu đề ra và để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm, khuyến khích HKD chuyển đổi thành DN, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Thực trạng chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Trong các năm gần đây tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chủ trương thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN theo các Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Trong đó, việc khuyến khích các HKD có tiềm lực chuyển đổi lên DN được thực hiện với nhiều nhóm giải pháp: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Đồng thời, giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các Sở ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Ngoài ra, HĐND Tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, quy định cụ thể nguyên tắc hỗ trợ và chính sách hỗ trợ rất chi tiết.
Tình hình hoạt động của các hộ kinh doanh
Số hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tăng trưởng nhanh vào giai đoạn 2017-2018. Tình hình kinh tế xã hội thuận lợi kích thích người tham gia kinh doanh nhiều hơn, tạo sự phát triển cho HKD trên địa bàn Tỉnh.
Tính đến ngày 31/12/2018, tỉnh Sóc Trăng có 13.833 HKD. Số lượng HKD đăng ký kinh doanh mới tăng theo từng năm. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2017, số lượng HKD đăng ký có tăng nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, số lượng HKD đăng ký mới lại tăng mạnh vào năm 2018 với 992 hộ, tăng 196 hộ (24,62%) so với năm 2016. Bên cạnh đó, số hộ nghỉ kinh doanh cũng giảm qua các năm: Năm 2017, số hộ nghỉ kinh doanh là 652 hộ, giảm 43 hộ (6,19%) so với năm 2016; năm 2018 có 613 hộ nghỉ kinh doanh, giảm 82 hộ (13,38%) so với năm 2016. Điều này thể hiện tình hình kinh doanh của các hộ ổn định và khả quan, tạo cơ sở để HKD phát triển thành DN.
Tình hình thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách
Thực hiện Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính (Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh) và Quyết định số 2371/QĐ-TCT ngày 18/12/2015 của Tổng cục Thuế (về việc ban hành quy trình quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh), thời gian qua, Cục Thuế Sóc Trăng đã chỉ đạo các chi cục Thuế thành lập các tổ công tác xuống hỗ trợ các xã, phường, thị trấn phát và thu hồi tờ khai thuế khoán, phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế thực hiện điều tra doanh thu các hộ trọng điểm làm cơ sở lập bộ thuế khoán hàng năm; Thực hiện công khai danh sách HKD có doanh thu phải chịu thuế và HKD có doanh thu dưới ngưỡng không chịu thuế; Đồng thời, thường xuyên cập nhật các trường hợp phát sinh hộ mới kinh doanh, hộ tạm ngừng nghỉ, hộ miễn giảm... lên trang thông tin điện tử theo quy định.
Các số liệu thống kê cho thấy, tình hình thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách của HKD có tăng trong giai đoạn 2016-2018 về giá trị tuyệt đối. Kết quả thu ngân sách từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh khu vực ngoài quốc doanh năm 2017 so với 2016 có thể xem như không tăng, chỉ cao hơn 129 triệu đồng (0,17%). Tuy nhiên, trong năm 2018, thu từ khu vực này tăng 7.407 triệu đồng so với năm 2017 (10,26%).
Xét về cơ cấu trong thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, tỷ trọng trong thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm đều qua các năm, giảm mạnh là giai đoạn 2016-2017. Nguyên nhân cơ bản là do thay đổi quy định về hệ thống mục lục ngân sách nhà nước theo Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ Tài chính chuyển số thu của một số DN thuộc khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh làm tăng tổng nguồn thu từ khu vực ngoài quốc doanh.
Thực trạng chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành DN giai đoạn 2014-2018
Nếu xét riêng tình hình chuyển đổi HKD thành DN thì bình quân giai đoạn 2014 - 2018 chỉ đạt 40 DN/năm (Bảng 3).
Số liệu thống kê của Cục Thuế Sóc Trăng cho thấy, số HKD chuyển đổi lên thành DN trong thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn, giai đoạn từ năm 2016 đến 2018 trung bình mỗi năm có khoảng 46 HKD chuyển đổi. Mặc dù, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi, cơ quan chức năng địa phương đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là về thời gian cấp giấy phép thành lập DN, tuy nhiên, DN vẫn còn một số lo ngại về thủ tục hồ sơ đăng ký kinh doanh, những vấn đề về thuế.
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng
HKD giữ vai trò quan trọng quá trình đổi mới phát triển kinh tế của địa phương. Việc chuyển đổi HKD thành DN vừa có lợi cho DN chuyển đổi lại vừa có lợi cho nền kinh tế. Để đạt mục tiêu đề ra về số lượng DN trên địa bàn Tỉnh trong năm 2020 (có 5.000 DN), để HKD không ngại "lớn", các giải pháp cần tập trung thực hiện DN gồm:
Về phía Chính phủ
- Tiếp tục rà soát, hệ thống hóa chính sách hỗ trợ, đảm bảo khung pháp lý hợp lý; Ban hành chính sách kịp thời, đầy đủ và linh hoạt điều chỉnh chính sách theo tình hình thị trường nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; Tiếp tục các chương trình hỗ trợ DN, chính sách quan tâm khuyến khích HKD chuyển đổi; Tập trung các chính sách tháo gỡ khó khăn về thuế, tiếp cận vốn, đất đai, đào tạo nghề, cơ sở hạ tầng.
- Cần quan tâm đến các chính sách có tác động trực tiếp đến HKD và DN như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, nhất là là lĩnh vực thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt; Triển khai giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho DN giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước qua môi trường mạng; Quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan hành chính mở chuyên mục về hỗ trợ phát triển việc chuyển đổi thành DN của HKD trên trang thông tin điện tử, công khai thủ tục, quy trình, điều kiện (nếu có) trên trang thông tin điện tử địa phương.
Đối với Bộ Tài chính
Xem xét hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh như thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, chế độ kế toán; Nghiên cứu điều chỉnh các quy định theo hướng các quy định đối với các tổ chức kinh doanh cơ bản được phân biệt dựa theo tính chất của hoạt động chứ không dựa trên hình thức tổ chức kinh doanh; Tham mưu xây dựng chính sách giảm thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN) cho DN nhỏ và vừa, giảm thuế TNDN những năm đầu hoạt động đối với DN chuyển đổi từ HKD, giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân trực tiếp lao động và làm việc tại các DN mới chuyển đổi này.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, đặc biệt trong công tác quản lý thuế: Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán, mức khoán theo các tiêu chí ngành nghề, địa bàn, số lượng lao động...; Xây dựng lộ trình bỏ hình thức thuế khoán, chuyển sang thu thuế TNDN, thuế TNCN đối với HKD; Đồng thời, tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền về những lợi thế, những cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, khả năng đóng góp cho cộng đồng và xã hội khi tổ chức hoạt động kinh doanh dưới hình thức DN.
Đối với chính quyền địa phương tỉnh Sóc Trăng
- Phối hợp địa phương xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi tạo điều kiện cho các DN đã chuyển đổi nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN xây dựng kế hoạch hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc của DN cũng như kêu gọi các HKD chuyển đổi.
- Đào tạo kỹ năng tuyên truyền hỗ trợ, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho công chức có liên quan đến hoạt động chuyển đổi HKD thành DN.
- Hoàn thiện, nhất quán cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi, chính sách ưu đãi trong đầu tư, tiền thuê đất...; lập kế hoạch chi tiết sử dụng đất, cho thuê đất, công khai quy hoạch làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
- Phối hợp với các ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thành lập DN, tư vấn cho DN về pháp luật đầu tư và các chính sách có liên quan; Thực hiện đầy đủ ưu đãi mà DN được hưởng tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Đối với cơ quan Thuế tỉnh Sóc Trăng
- Tham mưu soạn thảo và tích cực nghiên cứu tham gia góp ý các chính sách liên quan đến hoạt động của HKD; Hỗ trợ HKD áp dụng các công nghệ thông tin kết nối với cơ quan thuế nhằm hạn chế thất thoát thông qua thực hiện hình thức nộp thuế theo phương pháp khoán, trong đó sớm thực hiện đối với các đối tượng hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu lớn; Hỗ trợ HKD mở sổ kế toán, ghi chép hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, quyết toán thuế nhằm tạo thói quen quản trị kinh doanh.
- Chủ động phối hợp thực thi đồng bộ các nhóm giải pháp: Truyền thông nâng cao nhận thức của các HKD về lợi thế và lợi ích của việc chuyển đổi HKD thành DN; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ đào tạo nhân lực; hỗ trợ thành lập DN, đăng ký kinh doanh, quản trị DN; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính, tín dụng; hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, áp dụng thủ tục thuế; nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN.
Đối với hộ kinh doanh
Để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, ngoài các chính sách hỗ trợ và ưu đãi từ Nhà nước, HKD cần nâng cao năng lực nội tại. Khi việc sản xuất kinh doanh của HKD phát triển thì quy mô hiện tại sẽ không phù hợp nữa, HKD cần mở rộng quy mô sản xuất và tiến vào thị trường rộng lớn hơn, do đó việc phải chuyển đổi sang DN là điều tất yếu.
Trình độ học vấn của tiểu thương là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến việc chuyển đổi HKD thành DN. Chính vì vậy, cần nâng cao trình độ cho người điều hành HKD bằng cách thường xuyên cập nhật các thông tin, chính sách mới ở địa phương, tham gia đầy đủ các hội nghị đối thoại khi địa phương triển khai nhằm nâng cao năng lực quản lý.
Để chuyển đổi thì việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của HKD rất cần thiết. HKD cần đa dạng hóa hoạt động buôn bán kinh doanh của mình, tạo sự phong phú và nguồn hàng có chất lượng cho người tiêu dùng. HKD tạo được uy tín tốt sẽ nâng cao được tính cạnh tranh, ổn định được tình hình kinh doanh.
Để dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng chính thức, HKD cần phải nâng cao mức độ tín nhiệm với các ngân hàng. Muốn vậy, HKD cần phải thực hiện nghiêm túc việc kinh doanh đúng theo pháp luật, tuân thủ các quy định của Nhà nước như nghĩa vụ nộp ngân sách, kinh doanh đúng ngành nghề quy định, tăng cường thực hiện thanh toán điện tử hay qua ngân hàng. Điều này sẽ tạo cơ sở cho các ngân hàng thương mại tin tưởng mở ra cơ hội cho vay vốn đối với HKD...
Tài liệu tham khảo:
1. UBND tỉnh Sóc Trăng (2018), “Báo cáo Kinh tế - xã hội năm 2018 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019”;
2. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2017), “Chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách”, tr.10-11;
3. Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng (2018), “Báo cáo tổng kết công tác thuế các năm 2018”, tr.06;
4. Võ Thành Danh, Ong Quốc Cường và Trần Bá Quang (2013), “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Hậu Giang”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, (27), tr.34-44;
5. Nguyễn Hồng Hà, Lê Thành Nam (2019),"Yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp", Tạp chí Tài chính, (Tháng 6/2019 - (706)), tr.151-153;
6. Trương Đông Lộc, Nguyễn Đức Trọng (2010), “Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Đồng bằng Sông Cửu Long”, Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, (Số 50-Tháng 5/2010), tr.11-16;
7. Phan Thị Minh Lý (2011), “Phân tích tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học và công nghệ - Trường Đại học Đà Nẵng, 2(43), tr.151-157;
8. Nguyễn Quốc Nghi, Mai Văn Nam (2011), “Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TP. Cần Thơ”,
9. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, (Số 19b), tr.122-129.