Câu chuyện Nga - Ukraine và tác động kinh tế
Cả Nga và Ukraine đều là 2 quốc gia thân thiện với Việt Nam, nơi có nhiều sinh viên Việt Nam theo học, nhiều lao động Việt Nam đang làm việc và sinh sống ở đó. Trước những tin tức ngày một xấu đi về các lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với nước Nga, nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới thuộc nhóm G20, tác động hết sức tiêu cực đến khả năng phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch, trong đó có Việt Nam.
Thiệt hại đối với kinh tế thế giới
Theo Castellum.AI, dịch vụ toàn cầu theo dõi các lệnh trừng phạt kinh tế, đã có hơn 5,5 nghìn lệnh trừng phạt các loại được áp đặt lên nước Nga, trong đó có 2.827 lệnh trừng phạt mới kể từ ngày 22.2 đến ngày 9.3.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng phương Tây cũng bị thiệt hại đáng kể do chính các lệnh trừng phạt đó, nhất là trong lĩnh vực năng lượng khi giá khí đốt tăng đột biến, gấp nhiều lần trước cấm vận.
Chưa kể thiệt hại trong lĩnh vực vận tải hàng không khi quãng đường vận chuyển kéo dài hơn 1/3 do phải bay vòng tránh vùng cấm bay, kéo theo thiệt hại của các hãng cho thuê máy bay, kế đến là các công ty bảo hiểm thuộc lĩnh vực tài chính.
Ngành du lịch cũng bị tác động khi đóng cửa biên giới. Ở nhiều nước EU, du lịch chiếm tới 15 - 20% GDP, là khu vực kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kéo theo là mất việc làm và bất ổn xã hội, tăng chi phí bù đắp thiệt hại của doanh nghiệp từ ngân sách…
Hệ quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng đáng kể chưa tính đến tác động của lạm phát và gia tăng chi phí sản xuất, giá cả tiêu dùng và dịch vụ. Có thể là hàng trăm tỷ euro. Thị trường toàn cầu có vẻ như hỗn loạn hơn khi Hoa Kỳ cấm nhập khẩu năng lượng, bao gồm dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga khi các chỉ số giá cả trên thị trường hàng hóa giao sau Chicago đều tăng nhanh.
Cũng phải nói thêm rằng, theo ria.ru dù cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga nhưng Mỹ không cấm nhập khẩu uran đã làm giàu từ Nga, nhiên liệu của các nhà máy điện nguyên tử ở Mỹ. Việc thiếu nhiên liệu uran sẽ ảnh hưởng tới 93 tổ máy phát điện nguyên tử công suất 95,5 GW, hiện chiếm 20% tổng công suất điện của Mỹ (số liệu của PRIS IAEA).
Theo Edge Markets, giá lúa mì tuần trước đã tăng tới 41%, mức tăng lịch sử cao nhất trong một tuần. Điều này cũng dễ hiểu khi các cảng biển của Ukraine đều đóng, nhiều khách hàng ngại mua ngũ cốc của Nga do lo ngại các lệnh trừng phạt. Tìm nguồn hàng mới không dễ khi Nga và Ukraine chiếm tỷ trọng 29% lúa mì xuất khẩu, 19% ngô và 80% dầu hướng dương cạnh tranh với dầu đậu nành.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu niken Nga sẽ làm công nghiệp toàn cầu thiếu thép không gỉ và hàng chục nghìn nhà máy từ Nhật Bản đến Hoa kỳ sẽ phải dừng hoạt động vì trên thế giới, Nga là nước xuất khẩu niken chủ yếu.
Với sản lượng 5 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày, nếu cấm vận dầu mỏ của Nga thì giá dầu thô có thể sẽ đạt mức 200 USD/thùng, trong khi giá khí đốt đã dao động ở mức 2 - 3.000 USD/1.000m3. Các chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu kinh tế Brussels cho biết với giá khí đốt như thế này, mỗi ngày nước Nga xuất khẩu vào EU khoảng 6 - 700 triệu USD, và 1 năm sẽ thu được khoảng 250 tỷ USD.
Lạm phát ở Mỹ tuần trước đã đạt 7,9% năm, và nếu kéo dài như vậy vài tuần nữa thì chỉ số giá cả ở Mỹ sẽ tăng 2 con số và trong tương quan giữa đồng euro/USD thì lạm phát ở châu Âu cũng đã gần ngưỡng 10%. Có vẻ như một kịch bản stagflation - một hình thức khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, đang hình thành khi GDP suy giảm, lạm phát và thất nghiệp tăng.
Cho nên, dù Nga và Ukraine không phải là thị trường quan trọng, hàng đầu của Việt Nam nhưng những tác động của nó tới kinh tế thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực phục hồi kinh tế của nước ta sau đại dịch, nhất là khi Chương trình phục hồi kinh tế 2 năm 2022 - 2023 đang được triển khai và cũng còn rất nhiều trở ngại, các chính sách chậm được đưa vào cuộc sống, dịch bệnh tiếp tục hoành hành với số người nhiễm Covid-19 và đang điều trị ngày một tăng. Có vẻ như khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Tác động đối với Việt Nam
Tình hình mới lại đặt ra những thách thức mới đối với nền kinh tế mở mà cũng rất nhạy cảm của nước ta do đã hội nhập sâu và khá toàn diện với kinh tế thế giới. Mấy ngày nay, giá xăng dầu trong nước đã tăng gần ngưỡng 30.000 đồng/lít, được dự báo sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế và áp lực lạm phát, tăng CPI, ảnh hưởng tới thu nhập thực tế của người dân. Người nông dân cũng đang gặp khó do giá phân bón tăng cao, nhất là người trồng lúa.
Vì thế, bên cạnh yêu cầu tiếp tục nắm bắt, phân tích, dự báo diễn biến mới liên quan tới xung đột quân sự Nga - Ukraine của kinh tế thế giới để thiết kế chính sách cho phù hợp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân mong rằng các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế cụ thể cho người dân và doanh nghiệp sớm được thực thi, các gói kích cầu đầu tư cần thực hiện khẩn trương, quyết liệt hơn nữa.
Phải huy động, tập hợp được sức mạnh của cả xã hội, doanh nghiệp và người dân và tiềm lực tài chính của nhà nước thì mới có thể vượt qua được giai đoạn đặc biệt khó khăn này.
Theo TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách/daibieunhandan.vn