Bên cạnh rất nhiều nhận định lạc quan, MBS vẫn chia sẻ dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc từ 5,9% vào năm 2021 xuống 4,4% vào năm 2022, do sự giảm tốc của hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc. Tăng trưởng GDP 2022 tại Hoa Kỳ đã bị điều chỉnh giảm 1,2% do giả định loại bỏ gói chính sách tài khóa đầu tư công khỏi đường cơ sở, tăng tốc rút gói hỗ trợ tiền tệ và tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài. Tại Trung Quốc, dịch bệnh đã tác động trực tiếp lên nền kinh tế, cũng như những khó khăn tài chính dài hạn của các tập đoàn bất động sản, đã dẫn đến mức giảm 0,8% cho dự báo tăng trưởng năm 2022.
Dự báo kinh tế toàn cầu năm 2022 (Nguồn MBS) |
Năm 2023, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,8%. Trong khi GDP thực tế của các nền kinh tế phát triển được dự đoán sẽ trở lại mức dự báo trước đại dịch vào năm 2022, GDP của các nền kinh tế có thu nhập thấp và đang phát triển, dự kiến, sẽ duy trì ở mức trung bình dưới 3% so với mức dự báo trước đại dịch.
Nhận diện về một số thị trường chính, MBS cho biết, với thị trường dầu mỏ, năm 2021, bất chấp tình hình bất ổn do dịch bệnh, giá dầu thế giới đã tăng hơn 50% so với năm 2020. Đây là mức tăng mạnh nhất của giá dầu trong vòng 12 năm trở lại đây. Theo Báo Kinh doanh Vùng Vịnh, đà tăng của giá dầu được dự báo sẽ vẫn chưa dừng lại trong năm 2022, thậm chí có thể lên tới 125 USD/thùng. Tuy nhiên, theo IEA giá dầu Brent lại dự kiến sẽ giảm xuống mức ổn định quanh 80 USD/thùng. Những lo lắng ban đầu với biến thể Omicron đang dần phai nhạt trên thị trường dầu thô. Các dự báo hiện nay cho thấy nhu cầu dầu của thế giới sẽ có thể đạt gần 100 triệu thùng/ngày, tức về xấp xỉ mức trước đại dịch.
Theo IEA, OPEC và các đối tác, gọi tắt là OPEC+ đang khá tự tin vào đà tăng của nhu cầu dầu trong năm 2022. Khả năng cao là OPEC+ sẽ tiếp tục mức tăng sản lượng thêm 400 nghìn thùng/ngày trong tháng tới. Đặc biệt, trong bối cảnh lượng dầu dự trữ tại các nước phát triển hiện nay đang ở thấp hơn mức trung bình giai đoạn 2015 - 2019 tới 170 triệu thùng. Như vậy, nhu cầu dầu của thế giới dự báo sẽ tăng không ít trong năm 2022 nhưng trong bối cảnh đó nhiều nước xuất khẩu dầu hiện nay lại ở trong tình thế có muốn tăng sản lượng hơn cũng không còn khả năng. Các chuyên gia kỳ vọng sản lượng xăng dầu toàn cầu sẽ tăng 5,5 triệu thùng/ngày vào năm 2022, nhờ sự gia tăng sản lượng ở Hoa Kỳ, OPEC và Nga, cùng chiếm 84%, tương đương 4,6 triệu thùng/ngày, trong mức tăng trưởng.
Về thị trường lao động, năm 2021, thị trường lao động bắt đầu trỗi dậy từ tình trạng tồi tệ nhất của đại dịch, nhưng vẫn chưa thể thoát ra hoàn toàn. Việc làm đã tăng nhanh chóng, cũng như tiền lương. Những xu hướng này có thể tiếp tục vào năm 2022. Việc làm tại Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 12 trong bối cảnh thiếu công nhân và mức tăng việc làm có thể vẫn ở mức vừa phải trong thời gian tới do các biến thể Omicron làm gián đoạn hoạt động kinh tế. Bộ Lao động Mỹ cho biết trong báo cáo việc làm được theo dõi chặt chẽ hàng tuần, biên chế phi nông nghiệp đã tăng 199.000 việc làm trong tháng trước. Dữ liệu cho tháng 11 đã được sửa đổi để cho thấy bảng lương tăng 249.000 việc làm thay vì 210.000 được báo cáo trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống còn 3,9%, thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2020, cho thấy sự phục hồi bền vững của thị trường việc làm nhờ nền kinh tế phục hồi nhanh và nhu cầu lao động mạnh mẽ. Tỷ lệ này vẫn cao hơn một chút so với mức trước khủng hoảng, nhưng sẽ giảm hơn nữa trong những tháng tới khi các công ty dần lấp đầy các vị trí tuyển dụng.
Một số chỉ tiêu kinh tế tại các nền kinh tế lớn (Nguồn MBS) |
Hai chính sách có ảnh hưởng trọng yếu đến tăng trưởng kinh tế là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Lạm phát tại Mỹ tăng nhanh đến chóng mặt, cùng với phản ứng của thị trường và các nhà hoạch định chính sách đã gây ra rủi ro đáng kể lên triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ. Lạm phát hiện có thể đang đè nặng lên đời sống của người tiêu dùng và dự kiến sẽ thúc đẩy quá trình thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang. Trong giai đoạn chuyển đổi chính sách tiền tệ này, lãi suất dài hạn có thể thay đổi đáng kể theo một trong hai hướng tùy thuộc vào nhận thức của thị trường về mức độ thành công của chính sách tài khóa và tiền tệ trong việc kiềm chế lạm phát mà không làm chậm tăng trưởng kinh tế. Vào đầu tháng 1 năm 2022, Ngân hàng trung ương Mỹ cho biết rằng họ sẽ tăng gấp đôi tốc độ thu hẹp khoản mua tài sản, đưa nó đi đúng hướng để sớm kết thúc quá trình nới lỏng. Sau khi giữ chi phí đi vay gần bằng 0 kể từ tháng 3 năm 2020, các dự báo được công bố cùng với tuyên bố cho thấy các quan chức của Fed kỳ vọng sẽ tăng lãi suất lên đến 0,75% vào cuối năm 2022.
Về chính sách tài khoá, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cần phải điều chỉnh theo từng trường hợp để xử lý các hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra. IMF đã viết trong Báo cáo Giám sát Tài khóa năm 2021: “Chính sách tài khóa tiếp tục được hỗ trợ, với mức thâm hụt ngân sách năm 2021 giảm trung bình khoảng 2% so với GDP”. Theo IMF, tình trạng khan hiếm vắc xin và mức chi tiêu tăng mạnh cho các ưu tiên liên quan đến dịch bệnh đã và đang kìm hãm nỗ lực tăng trưởng kinh tế tại các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển có thu nhập thấp. Các chuyên gia tin rằng những gói tài chính lớn được công bố bởi EU và Mỹ sẽ làm tăng thêm 4,6 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu từ năm 2021 đến năm 2026. Theo nghiên cứu từ IMF, nhiều quốc gia đang phát triển và có thu nhập thấp sẽ không thể cung cấp hỗ trợ tài khóa cho quốc gia mình do mất khả năng trả nợ vì lãi suất tăng cao, kèm theo nguồn thu của chính phủ bị suy giảm. Các chuyên gia ước tính, thâm hụt ngân sách tại các quốc gia đang phát triển và thu nhập thấp trên toàn cầu sẽ giảm khoảng 3% trong năm tới và sẽ trở lại mức như trước đại dịch vào năm 2026. Các quốc gia này, chắc chắn, sẽ yêu cầu thêm các khoản viện trợ từ nước ngoài và thậm chí trong một số trường hợp là tái cơ cấu nợ. Theo dự đoán sơ bộ của Quỹ tiền tệ Quốc tế, tổng mức dư nợ toàn cầu đã gia tăng 27 nghìn tỷ USD mỗi năm lên mức 226 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Dự kiến năm 2021, tổng mức dư nợ toàn cầu sẽ vẫn ở mức cao kỷ lục, tương đương 100% GDP, trước khi có dấu hiệu giảm dần.