Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC:
"Cầu nối” thu hẹp khoảng cách giữa Chính phủ với doanh nghiệp
Ngày 10/9, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ đã có phiên họp trực tuyến về tình hình triển khai nhiệm vụ 8 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2021.
Phát biểu tại phiên họp, ông Trần Văn Sơn - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ra những tác động hết sức nặng nề về kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn, phát huy cao độ các nguồn lực để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, nỗ lực chăm lo cho đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã trở thành một kênh hữu hiệu giúp Thủ tướng Chính phủ nắm bắt thực tế, từ đó, đưa ra các quyết sách kịp thời để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội.
"Có thể nói, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ chính là “cầu nối” thu hẹp khoảng cách giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Mới đây, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã chỉ đạo Hội đồng tăng cường đối thoại, kịp thời nắm bắt, xác định các quy định cụ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh hiện đang tạo rào cản, vướng mắc, từ đó, đề xuất các bộ, cơ quan liên quan sửa đổi, điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang tập trung thiết lập Cổng tham vấn điện tử về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đây là giải pháp bảo đảm thực hiện việc tham vấn cả 2 chiều trên môi trường điện tử. Theo đó, cơ quan nhà nước tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp về các quy định hiện hành, dự kiến ban hành liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án cắt giảm, đơn giản hoá. Trong khi đó, các hiệp hội, doanh nghiệp có thể chủ động đề xuất các sáng kiến cải cách, đặc biệt là các quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh.
Về hoạt động tư vấn, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách thủ tục hành chính, Thường trực Hội đồng đã tổ chức làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp để hoàn thiện Báo cáo về năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài và Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Từ đó, đã báo cáo, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách đối với các ngành kinh tế mũi nhọn và cải cách các vấn đề đang là rào cản, thách thức cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, đưa ra nhiều bài học, kinh nghiệm quốc tế để các bộ, ngành, địa phương tham khảo, tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài...
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, từ nay đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, các thành viên Hội đồng, Ban công tác cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò “cầu nối” giữa Chính phủ và người dân, doanh nghiệp, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Từ đó, có thể tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị các thành viên tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, lựa chọn một số vấn đề, lĩnh vực trọng tâm, đang là “điểm nóng, điểm nghẽn” đối với doanh nghiệp để tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất và tham gia ý kiến đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mong muốn qua Cổng tham vấn điện tử (dự kiến cuối năm 2021 bắt đầu vận hành), các thành viên Hội đồng sẽ phát huy vai trò, tính chủ động của các thành viên hiệp hội, tổ chức mà mình đại diện, đề xuất ý kiến về các quy định hiện hành, dự kiến ban hành liên quan đến hoạt động kinh doanh; phương án cắt giảm, đơn giản hoá; kịp thời đề xuất các sáng kiến cải cách, đặc biệt là các quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.