Cây gậy và củ cà rốt

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Với hai Thông tư 19 và 20 được ban hành, những góc khuất của nợ xấu – “cục máu đông” của nền kinh tế đã có những giải pháp đủ mạnh và có sức hấp dẫn nhất định đối với những nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN) và chính ngay các ngân hàng thương mại (NHTM).

Cây gậy và củ cà rốt
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Hai văn bản - kỳ vọng sẽ khơi thông “cục máu đông” cho nền kinh tế, được chờ đợi khá lâu, cuối cùng cũng “ra mắt” những ngày trung tuần tháng 9/2013: Thông tư 19/2013/TT- NHNN (Thông tư 19) quy định mua, bán, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) và Thông tư 20/2013/TT-NHNN (Thông tư 20) quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).

Sự chậm trễ này có thể hiểu được khi VAMC là công ty thực hiện chức năng đặc biệt, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Tuy vấn đề xử lý nợ xấu đã được bàn luận trên nhiều diễn đàn suốt hơn 1 năm qua, nhưng khi phóng viên đặt câu hỏi xung quanh nội dung Thông tư 19, nhiều người trong giới tài chính - ngân hàng cũng phải thừa nhận họ cần thời gian dành cho việc “đọc để hiểu”.

Song nội dung dễ nhận thấy nhất của các văn bản trên là giải pháp “cây gậy và củ cà rốt” của Ngân hàng nhà nước (NHNN) trong tiến trình khơi thông triệt để “cục máu đông” - tức khoản nợ xấu đang bất động trong tài khoản của các NHTM. Đó là các khoản mục trong các Thông tư kể trên nêu rõ các bước thực hiện quá trình giải quyết đối với chủ sở hữu khoản nợ xấu đó: yêu cầu thay đổi - quyền lợi được hưởng nếu thay đổi - biện pháp trừng phạt.

Đơn cử, đối với khách hàng có khoản vay là nợ xấu đã được TCTD bán cho VAMC: Theo Thông tư 19, NHNN cho phép VAMC cơ cấu lại nợ; xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay; miễn, giảm lãi phạt, phí và lãi vay đã quá hạn thanh toán... Thậm chí VAMC sẽ có biện pháp hỗ trợ tài chính đối với khách hàng - những “củ cà rốt” thiết yếu cho khách hàng trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, yếu tố đầu tiên, được NHNN đánh giá cao nhất khi đưa ra “củ cà rốt” là thái độ, trách nhiệm của khách hàng đối với nợ xấu. Đó là khi khách hàng hợp tác tốt, có phương án tích cực để trả nợ...

Trong trường hợp ngược lại, “cây gậy” mà NHNN cho phép VAMC áp dụng với khách hàng là DN: chuyển khoản nợ xấu đó thành vốn điều lệ, vốn cổ phần tại DN để VAMC tham gia cơ cấu tổ chức quản lý nội bộ của khách hàng vay. Như vậy, nếu không cùng lo với VAMC xử lý nợ xấu DN sẽ mất quyền kiểm soát.

Đối với TCTD, các chính sách mà NHNN áp dụng cũng với “thái độ” tương tự: Bán nợ xấu cho VAMC, TCTD có thể dùng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại NHNN. Điều này giúp TCTD có thể tạm gác nợ xấu lại để toàn tâm, toàn sức nâng cao hiệu quả kinh doanh; đồng thời có thêm nguồn vốn cho các kế hoạch hoạt động kinh doanh mới. Song, không có nghĩa TCTD “quẳng gánh lo” sang VAMC.

Cùng với việc tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt (tối thiểu 20% mệnh giá trái phiếu), theo Thông tư 20 nếu đến hạn, TCTD không trả hết khoản vay tái cấp vốn sẽ bị tính lãi suất phạt. Thậm chí có thể sẽ bị chuyển khoản tái cấp vốn thành khoản góp vốn, mua cổ phần của NHNN tại TCTD. Như vậy, cũng như DN, nếu TCTD không có tinh thần tích cực trong xử lý nợ xấu, bản thân TCTD cũng có nguy cơ mất toàn quyền kiểm soát.

Một “người trong cuộc” khác, có vai trò quan trọng nhất chính là VAMC. Những quyền năng mà NHNN trao cho VAMC không phải là vô hạn, mà trách nhiệm thì không nhỏ. Nói chuyện với phóng viên ngay khi chữ ký ban hành Thông tư 19 của lãnh đạo NHNN chưa “ráo mực”, một vị trong ban lãnh đạo VAMC đã bày tỏ lo lắng: Việc mua nợ xấu chính là các khoản đầu tư, nói chính xác là khoản đầu tư mạo hiểm, nên VAMC cũng phải trích lập DPRR. Song họ chỉ được hòa hoặc lãi khi phải “kinh doanh” nợ xấu vì các Thông tư không nói đến khả năng nếu cục nợ xấu được VAMC “mua” về bị mất giá theo biến động thị trường.

Tuy nhiên vị lãnh đạo VAMC nói trên cũng hy vọng việc NHNN cho phép bán đấu giá các khoản nợ xấu chính là tiền đề cho một sân chơi mới: thị trường mua, bán nợ xấu. Sự vận hành của thị trường này với nhiều thành phần tham gia sẽ giúp tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn. Một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vốn nhận định: Xét cho cùng xác suất rủi ro luôn tỷ lệ thuận với tỷ suất lợi nhuận. Mà với những người kinh doanh thì lợi nhuận là động lực để họ có những quyết sách táo bạo trên thương trường.

Ở góc nhìn khác, lâu nay nợ xấu được nhắc đến nhiều, nhưng vẫn được coi là vấn đề ít người muốn nhắc tới bởi là những con số khó định lượng chính xác nên “ngại”… công bố. Thì nay, khi được đưa ra giao dịch, các thông số kỹ thuật của “hàng hóa” này phải được công khai, minh bạch. Có thế, các nhà đầu tư mới có thể mổ xẻ, phân tích trước khi quyết định mua hay bán.

Vậy là, với hai Thông tư 19 và 20 được ban hành, những góc khuất của nợ xấu – “cục máu đông” của nền kinh tế đã có những giải pháp đủ mạnh và có sức hấp dẫn nhất định đối với những nhà đầu tư, các DN và chính ngay các NHTM.