CBAM và mối liên hệ với xuất khẩu xanh: Doanh nghiệp Việt buộc phải thích ứng


Cơ chế CBAM (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism) của Liên minh châu Âu (EU), với mục tiêu hạn chế lượng khí thải carbon từ các sản phẩm nhập khẩu đã và đang tạo ra những tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp xuất khẩu trên toàn cầu, trong đó có quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

CBAM là một cơ chế chỉ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu chính ngạch vào thị trường EU
CBAM là một cơ chế chỉ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu chính ngạch vào thị trường EU

CBAM có phải là rào cản kỹ thuật?

Có thể hiểu một cách đơn giản CBAM – Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, là một công cụ trong gói kế hoạch “fit for 55” (giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 trong khuôn khổ “Thỏa thuận xanh” của Liên minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, các nhà quản lý của Khối này lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài (đặc biệt tại các quốc gia có các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo), hay còn gọi là “rò rỉ carbon”.

Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Qua đó, khuyến khích phát triển công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU.

CBAM là một cơ chế chỉ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu chính ngạch vào thị trường EU. Về bản chất, CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Về cơ chế cụ thể, nhà nhập khẩu hàng vào EU theo Cơ chế CBAM đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ CBAM. Giá của chứng chỉ dựa vào giá tín chỉ phát thải hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Nhà nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.

EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: Hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào. Như vậy, phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu, nghĩa là các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hàng hóa đầu vào.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm trong việc phối hợp cung cấp thông tin cho nhà nhập khẩu EU (các thông tin bắt buộc bao gồm: danh tính nhà sản xuất, thông tin chung về quy trình sản xuất, thông tin chung về nguồn phát thải, thông tin cụ thể về sản phẩm, tổng phát thải của toàn bộ cơ sở sản xuất, các thông tin khác) để thực hiện nghĩa vụ hợp tác cung cấp thông tin. Trên cơ sở đó có thể điều chỉnh sản xuất, hướng tới giảm thiểu phát thảo ròng, góp phần thúc đẩy vào việc xây dựng lộ trình xanh hóa sản xuất trong từng bước và giảm thiểu được rủi ro có thể phát sinh từ Cơ chế CBAM.

Xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngàng hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ
Xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngàng hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ

Doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động thích ứng

Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Dù hiện tại phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không thuộc các nhóm này. Hiện, mới chỉ có một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chịu sự điều chỉnh của CBAM EU như: sắt nhôm, thép, nhôm, Hydrogen, xi măng và phân bón...

Nhưng một vấn đề cần được tính trước là nếu Cơ chế này được mở rộng sang các lĩnh vực khác trong tương lai, CBAM sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn chung, đánh giá của các chuyên gia và nhà khoa học đều thống nhất rằng, xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngàng hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp. Số liệu khảo sát cho thấy, lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu.

Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Giá trị xuất khẩu của ngành nhôm cũng giảm hơn 4% và sản lượng giảm khoảng 0,4%. Đối với ngành xi măng và phân bón, mức độ tác động không đáng kể nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp ngành này có thể chủ quan bởi sự mở rộng các yêu cầu trong Cơ chế thực hiện CBAM là một xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp cho rằng các báo cáo liên quan đến phát thải carbon hiện nay rất phức tạp, trở thành một trong những rào cản lớn khiến các doanh nghiệp gặp khó khi tiến hành các thủ tục xuất khẩu. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước chưa có những hướng dẫn chi tiết về việc xác nhận lượng khí thải carbon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2… đã khiến họ rất loanh hoay trong việc tìm ra các phương án để có thể giải quyết.

Thực tế là hiện đa phần doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có thể cung cấp thông tin phát thải trong quá trình sản xuất, gia công hàng hóa, trong khi CBAM yêu cầu thông tin số liệu phát thải trong cả nguyên liệu đầu vào sản xuất. Như vậy, thời gian để thực hiện những yêu cầu của CBAM rất cấp bách đòi khi muốn thực thi CBAM với các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU.

Vì vậy rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế và các đơn vị nhập khẩu để các doanh nghiệp có thể có những bước đi phù hợp, thích ứng kịp thời trước những yêu cầu đặt ra từ CBAM, nhất là trong bối cảnh CBAM bước vào giai đoạn vận hành chính thức vào ngày 1/1/2026, thời điểm bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ khai báo và mua – xuất trình chứng chỉ CBAM khi có sản phẩm hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo các chuyên gia, Việt Nam nên lựa chọn giải pháp chấp nhận CBAM và tìm cách giảm thiểu tác động từ cơ chế này. Theo đó, về phía Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước, cần có những trao đổi, thỏa thuận với đối tác EU về lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước của Việt Nam; Thiết lập và vận hành thị trường carbon trong nước để bù trừ lượng phát thải carbon; sớm ban hành hướng dẫn, doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó, tăng cường năng lực kỹ thuật và thể chế để thích ứng với CBAM; tham gia vào các đối thoại mang tính xây dựng với EU và đàm phán với EU để đưa ra các điều kiện có lợi cho Việt Nam; cải thiện khung chính sách về khử carbon như loại bỏ dần điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đặc biệt là yêu cầu về kiểm kê phát thải khí nhà kinh, hệ thống đăng ký, hệ thống báo cáo; Thực hiện các biện pháp giảm phát thải, xây dựng và báo cáo phát thải/giảm thải cấp quốc gia/ngành/lĩnh vực và cơ sở phát thải…

Về phía doanh nghiệp có hàng hóa thuộc danh mục chịu sự điều chỉnh của CBAM EU cần phải xác định được nguồn phát thải/kiểm kê/tính toán tổng lượng phát thải; Xây dựng báo cáo đề cập đến lượng phát thải của từng dòng sản phẩm; Xác định, đánh giá giảm thiểu lượng carbon trong từng công đoạn của quy trình sản xuất; Xây dựng kế hoạch sản xuất, trong đó có dòng kinh phí cho việc xây dựng báo cáo phát thải theo yêu cầu của CBAM và trao đổi với nhà nhập khẩu để chuẩn bị các nội dung báo cáo theo yêu cầu.

Trước CBAM, vào năm 2005, EU bắt đầu thực hiện đánh thuế về việc xả thải carbon ra môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tại EU bắt buộc phải trả tiền cho mỗi tấn carbon xả thải ra môi trường. Thuế carbon được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để điều chỉnh lượng xả thải carbon hằng năm tuân theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 mà các quốc gia đã ký kết.

Theo các chuyên gia, những nước chịu ảnh hưởng đầu tiên từ Cơ chế CBAM là 5 đối tác thương mại hàng đầu tại châu Á của EU gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Theo Tạp chí Công thương