Chậm đóng BHXH có phải nộp thêm tiền lãi không?
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Giải đáp ý kiến vướng mắc của ông Lê Minh Khang (tỉnh Phú Yên) về việc: Đơn vị ông có một người lao động do đơn vị cũ chốt sổ BHXH chậm 2 tháng để chuyển cho cơ quan ông, nên đơn vị ông bị điều chỉnh báo tăng BHXH cho người lao động chậm (chưa quá 6 tháng). Ông Khang hỏi, cơ quan ông có bị tính lãi trên số tiền chậm đóng BHXH không? Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn cụ thể như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014; Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc:
Đối với trường hợp trốn đóng, chậm đóng: Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Đối với trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHTN: Sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy đóng BHXH được tính bao gồm số tiền phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
Đối chiếu quy định nêu trên, đơn vị nơi ông Khang làm việc báo tăng (tham gia) BHXH cho người lao động chậm không quá 6 tháng thì thuộc trường hợp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên, do đó phải nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.