Chậm hoàn thuế, phạt nặng cả cơ quan thuế

Theo baodautu.vn

(Tài chính) “Doanh nghiệp (DN) nào gặp khó khăn, vướng mắc trong hoàn thuế có thể gửi trực tiếp công văn đến Tổng cục Thuế, chúng tôi sẽ giải quyết ngay và xử lý nghiêm cơ quan thuế, cán bộ thuế không thực hiện hoàn thuế đúng quy định”, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế), ông Vũ Văn Cường chia sẻ với phóng viên

Phóng viên: Thưa ông, ngành Thuế có biết nhiều DN đang “than trời” về việc chậm hoàn thuế?

Chậm hoàn thuế, phạt nặng cả cơ quan thuế - Ảnh 1
Ông Vũ Văn Cường,
 Phó vụ trưởng
Vụ Chính sách thuế
Ông Vũ Văn Cường: Thực tế, ngành Thuế chỉ biết những thông tin này qua các phương tiện thông tin đại chúng. Mặc dù vậy, Tổng cục Thuế vẫn thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đi làm việc trực tiếp tại cơ quan thuế các địa phương, một mặt hỗ trợ cơ quan thuế các cấp trong việc giải quyết vướng mắc trong hoàn thuế; mặt khác, đoàn thanh tra còn có trách phát hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong hoàn thuế, chủ yếu là hoàn thuế giá trị gia tăng.

Đối với DN, thủ tục hoàn thuế rất đơn giản, họ chỉ việc hoàn thiện và gửi hồ sơ hoàn thuế trực tiếp đến cơ quan thuế, hoặc gửi qua đường bưu điện, tất cả các thủ tục còn lại sẽ do cơ quan thuế thực hiện và nếu đủ điều kiện, sẽ được hoàn thuế trước kiểm tra sau (hậu kiểm), hoặc kiểm tra trước hoàn thuế sau (tiền kiểm) theo đúng quy định.

Luật Quản lý thuế sửa đổi đã cải cách triệt để khâu hoàn thuế, đặc biệt là rút ngắn thời gian hoàn thuế, nhưng nhiều DN vẫn gặp phải không ít nhiêu khê trong việc lấy tiền từ ngân sách?

Kể từ ngày 1/7/2013, tất cả DN có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế và các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng đều được hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Đối với trường hợp này, chậm nhất 6 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thuế bắt buộc phải hoàn thuế.

Trường hợp DN hoàn thuế lần đầu; hoàn thuế trong thời hạn 2 năm, kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế; không thanh toán qua ngân hàng; không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế, hoặc có giải trình, bổ sung, nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng; sáp nhập, hợp nhất, chia tách…, thì thực hiện cơ chế tiền kiểm, nhưng thời gian hoàn thuế tối đa cũng chỉ 40 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế.

Không có lý do gì mà cơ quan thuế dây dưa trong việc hoàn thuế, bởi Luật Quản lý thuế quy định, việc chậm ra quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế, thì ngoài số tiền thuế phải hoàn, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi theo cho DN với mức lãi khá cao (0,05%/ngày nếu chậm hoàn trong vòng 90 ngày và 0,07%/ngày nếu chậm hoàn trên 90 ngày).

Quy định như vậy, nhưng thưa ông, DN vẫn không ngớt kêu ca, phàn nàn về thủ tục cũng như thời gian hoàn thuế?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, DN nào gặp khó khăn, phiền nhiễu trong hoàn thuế có thể phản ánh ngay với cục thuế tại 63 tỉnh, thành phố. Nếu DN vẫn chưa bằng lòng với cách giải quyết của cục thuế, có thể gửi công văn trực tiếp lên Tổng cục Thuế, chúng tôi sẽ có trách nhiệm xử lý hoàn thuế theo đúng quy định và xử lý nghiêm cơ quan thuế, cán bộ thuế gây phiền hà, khó khăn cho DN.

Giá trị cốt lõi trong tuyên ngôn ngành Thuế là: “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các phương tiện thông tin đại chúng khi phản ánh về thái độ phục vụ phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quản lý thuế nói chung, hoàn thuế nói riêng, cần phản ánh cụ thể DN nào, ở đâu; bị gây khó khăn, vướng mắc ở khâu nào…, thì chúng tôi mới có cơ sở để xử lý.

Còn nếu chỉ nêu chung chung, không chỉ thiếu khách quan, mà còn không có cơ sở để xử lý, không có cơ sở để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý thuế không phù hợp với thực tế.

DN không muốn lộ danh tính khi phản ánh về cơ chế quản lý thuế có lý do tế nhị, nhưng thực tế, hoàn thuế vẫn mất nhiều thời gian ở khâu kiểm tra, thẩm định hồ sơ trước khi cơ quan thuế trả lời có được hoàn thuế hay không?

Tôi không nghĩ như vậy. Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Thuế đã ban hành quy trình hoàn thuế, phí và các khoản thu khác mà DN, tổ chức, cá nhân nộp thừa vào ngân sách nhà nước với các bước rất cụ thể, từ khâu tiếp nhận hồ sơ; phân loại hồ sơ; giải quyết hồ sơ đến khâu thẩm định lại hồ sơ và ra quyết định hoàn thuế.

Trong mỗi khâu, đều quy định cụ thể thời gian giải quyết, nên không có chuyện kéo dài thời gian kể từ khi DN nộp hồ sơ cho đến khi ra quyết định hoàn thuế.

Trường hợp chậm ra quyết định hoàn thuế, nếu thường xảy ra trong trường hợp qua kiểm tra, cơ quan thuế xác định DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế; hoặc cơ quan thuế đã có kế hoạch thanh tra DN, hoặc nhận được đơn khiếu nại, tố cáo DN, hoặc nhận được yêu cầu phải thanh tra thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong những trường hợp này, cơ quan thuế tạm dừng giải quyết hồ sơ hoàn thuế để tiến hành thanh tra thuế. Việc thực hiện thanh tra thuế tại trụ sở DN sẽ xác định rõ số thuế được hoàn và số thuế không được hoàn; số nợ tiền thuế, tiền phạt. Trong những trường hợp này, cơ quan thuế sẽ tiếp tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế ngay sau khi có kết luận thanh tra.