Chậm trễ trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, sở hữu trí tuệ (SHTT)) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được... vấn đề này.
Nhiều bất cập
Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt sau khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp trong nước đăng ký SHTT tăng đáng kể, trung bình tăng từ 7 - 15% mỗi năm. Hàng năm Cục nhận được từ 3.000- 4.000 đơn đăng ký nhưng số đơn đăng ký của cá nhân cũng như doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%.
Trong đó, số đơn đăng ký thành công chỉ chiếm 10%-15%, trong khi cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài là 50%. Điều này cho thấy nhận thức của doanh nghiệp chưa cao, nhiều doanh nghiệp có nhãn hiệu nhưng tự khai thác, dẫn đến việc mất nhãn hiệu, khi xảy ra tranh chấp không thể đòi lại được.
Chẳng hạn như 10 năm trước, cà phê Trung Nguyên bị mất nhãn hiệu tại Mỹ, mặc dù sau đó đã có sự giúp đỡ của Nhà nước để doanh nghiệp lấy lại nhãn hiệu, nhưng thực chất lúc đó đơn vị này chưa được công nhận quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, sở hữu trí tuệ ở dạng vô hình nhưng lại tạo ra tài sản hữu hình cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần đăng ký để Nhà nước có căn cứ bảo hộ cho nhãn hiệu, sản phẩm.
Chuyên gia SHTT, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Trần Mạnh Hùng cho biết, việc đăng ký các thủ tục xác lập nhãn hiệu chưa được các doanh nghiệp trong nước chú trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp start - up.
Theo nhiều chuyên gia, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong thời gian qua vẫn bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của xã hội. Đáng lưu ý là công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về thời hạn, cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu công nghiệp còn thiếu, hoạt động cung cấp thông tin còn hạn chế, hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chưa được triển khai đồng đều trên cả nước…
Chậm trễ trong cấp phép
Việc xác lập quyền SHTT rất quan trọng nhưng quá trình để xác lập được quyền sở hữu trí tuệ thì không ít doanh nghiệp gặp khó khăn. Đại diện Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ đã chậm trễ trong việc xử lý đơn, thẩm định nội dung khiến tồn đọng rất nhiều. Lý do chậm trễ thường được Cục đưa ra là số lượng đơn quá nhiều so với số lượng nhân sự xử lý.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) Nguyễn Viết Hồng cũng cho rằng, thời gian tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký SHTT của doanh nghiệp quá lâu, có những đơn quá hạn đến 2 năm chưa được cấp. Việc chậm trễ này cũng khiến cho doanh nghiệp có sự hiểu lầm. Khi doanh nghiệp nộp đơn thì mới có giấy tiếp nhận đơn chứ chưa được cấp, nhưng đến 80% doanh nghiệp lại nghĩ rằng đã được công nhận.
Đại diện Công ty Karofi Việt Nam Đoàn Thanh Hòa cho biết, hàng năm công ty luôn tự mình cải tiến sản phẩm 2 lần, khi mang các sản phẩm này đi đăng ký phải đợi đến 2 năm mới nhận được bằng. Trong khi đó, 2 - 3 tháng sau, ngoài thị trường đã có các sản phẩm “nhái” sản phẩm của Karofi.
Thời gian 2 năm để nhận được bằng sáng chế cho vòng đời một sản phẩm là quá lâu. Vì vậy, doanh nghiệp này mong muốn, các cơ quan quản lý và đơn vị liên quan có biện pháp để chứng minh sản phẩm của doanh nghiệp đang trong thời gian đăng ký bảo vệ sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp khác không có ý định làm hàng nhái.
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ là do đơn mô tả đăng ký sở hữu trí tuệ của người, doanh nghiệp Việt Nam chưa hoàn thiện và khá sơ sài. Trong khi, bản mô tả của đơn đăng ký có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi cho người đăng ký.
“Bản mô tả càng chi tiết, cụ thể và rõ ràng thì Cục càng bảo vệ cho người đăng ký nhiều hơn” ông Bình nói. Tuy nhiên, việc thực thi luật này trong thực tiễn không tránh khỏi tình trạng lúng túng và thiếu hiệu quả. Chế tài của Luật sở hữu trí tuệ mới dừng lại ở việc xử lý hành chính, mà thiếu xử lý hình sự. Để nâng cao hiệu quả thực thi, ông Bình cho rằng bản thân doanh nghiệp phải chủ động, vì đây là quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam Đỗ Thanh Lam cho rằng, chúng ta bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ đi sau rất nhiều nước. Do đó, chúng ta có thể kết hợp vừa học hỏi vừa cải biến và vừa phải phát triển.
“Cần phải đi thực tế nhiều hơn, trên cơ sở tìm được người có sáng kiến tốt thì đến xem và giúp họ hoàn thiện hồ sơ để thực hiện bảo hộ tài sản trí tuệ. Người Việt có câu “liệu cơm gắp mắm”, ở phương diện nào đó thì là tự an ủi mình nhưng nếu vận dụng thì cũng thấy hữu ích, và tôi cho rằng chúng ta cần kết hợp cả hai vừa phát triển nhưng cũng cần phải hỗ trợ từ thực tế, từ những bước đầu tiên” - Ông Đỗ Thanh Lam nhấn mạnh.