Chặn hàng giả trên thương mại điện tử bằng cách nào?

Vũ Thái

Để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, các sàn như "trận đấu" ngoài đời thật để chủ động đấu tranh và xử lý.

Vụ kiểm tra kho hàng giả của hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên tại Gia Lai hôm 2/11 vừa qua.
Vụ kiểm tra kho hàng giả của hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên tại Gia Lai hôm 2/11 vừa qua.

Kiểm tra 62.338 vụ việc trong 10 tháng

Trong 10 tháng năm 2023, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với mặt hàng lợn, đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử đã qua sử dụng...

Đặc biệt, trong 10 tháng qua, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục gia tăng; nhiều chủ thể quyền các nhãn hiệu lớn ở các nước như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý... đã có buổi làm việc, phản ánh với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), qua đó đề xuất các phương án hợp tác trong phòng, chống, ngăn chặn các hành vi phạm.

 

10 tháng năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 62.338 vụ việc, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng.

Theo đại diện Lãnh đạo Tổng cục QLTT, 10 tháng năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

10 tháng năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 62.338 vụ việc, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng.

Mặc dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử.

Gần đây nhất, đầu tháng 11/2023, tại Gia Lai, lực lượng QLTT đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng giả, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày. Theo Lãnh đạo Cục Nghiệp vụ QLTT, để kiểm tra cơ sở này, lực lượng đã mất hàng ngàn giờ theo dõi các đối tượng livestream bán hàng. Thời điểm kiểm tra, la liệt hàng hiệu giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng được đối tượng đổ đống, ngổn ngang từ khu vựa phía ngoài cổng đến kho chứa trữ sâu bên hông khu vực nhà ở.

Trong một group (hội, nhóm) trên mạng xã hội, chị M.H (Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong nhiều nạn nhân khi trót tin tưởng, mua phải những sản phẩm không đảm chất lượng của cơ sở này bức xúc: "Trương Ngọc Quyên có chồng là người Bình Định, có chút đồng hương nên thường xuyên xem livestream bán hàng. Mỗi ngày, đều đặn, Ngọc Quyên livestream 2 lượt trưa - tối. Nhiều chị em cùng cơ quan, vừa xem live, vừa đặt dầu gội của thương hiệu nổi tiếng, nhưng nhận về lại là hàng "dởm"", chị M.H chia sẻ và cho biết, rất vui mừng khi lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý cơ sở chuyên livestream bán hàng không đảm bảo chất lượng của Trương Ngọc Quyên.

Cách nào ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử

Tại Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử" do Tổng cục QLTT tổ chức sáng 15/11, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trên hết là của lực lượng QLTT.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ các giải pháp phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ các giải pháp phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử

"Phương thức mua - bán hàng của người dân đã thay đổi, chuyển từ truyền thống sang online. Các đối tượng đã chuyển kho hàng từ đồng bằng, thành phố lên các tỉnh miền núi, khu vực vùng sâu, vùng như vụ Gia Lai vừa qua là một ví dụ điển hình", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin. Tổng cục trưởng cũng cho rằng, thương mại điện tử phát triển bùng nổ, song đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Tổng cục QLTT thời gian gần đây, mạng xã hội tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân từ tận Hà Giang vẫn hàng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

"Lực lượng QLTT xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh. Theo đó, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

Mặt khác, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử. Ngoài ra, đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vừa qua, trên Nghị trường Quốc hội Kỳ họp lần thứ VI, khóa XV, trả lời chất vất các Đại biểu Quốc hội liên quan đến việc phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để từng bước khắc phục, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như: bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử về gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu; tích cực chủ động phối hợp các bộ ngành liên quan, thực hiện rà soát nắm bắt thông tin phát hiện xử lý các hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua tiêu thụ…; phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh báo cáo để hỗ trợ xử lý bán hàng vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung rà soát các quy định về pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi); phân cấp phân quyền cho địa phương; tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán; tăng cường hoạt động quản lý giám sát hàng hóa trên môi trường mạng.

Đồng thời, chủ động yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phối hợp rà soát gỡ bỏ thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật; tăng cường cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin trong hoạt động thương mại điện tử.