Siết chặt quản lý thị trường dịp cuối năm
Khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng dịp cuối năm tăng cao, cũng là thời điểm thị trường hàng hóa diễn biến phức tạp với các hoạt động vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại gia tăng. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này ngày càng tinh vi, hoạt động trên địa bàn rộng lớn, có sự móc ngoặc cho nên gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý.
Thực tế này đòi hỏi các lực lượng chức năng, mà chủ công là quản lý thị trường cần triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ và liên tục, cũng như siết chặt công tác quản lý địa bàn để giữ ổn định thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Vẫn khó kiểm soát
Trong nhiều năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã có nhiều chuyển biến tích cực, song đến nay tình trạng này vẫn chưa thể được kiểm soát hoàn toàn. Các mặt hàng vi phạm thường tập trung vào một số nhóm như: Quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo, lương thực, thực phẩm, thiết bị bảo hộ y tế,…
Phương thức và cách thức vận chuyển của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi trên nhiều loại phương tiện khác nhau. Chúng thường lợi dụng đêm tối, vận chuyển qua biên giới bằng đường mòn, lối mở, sau đó xé lẻ, trà trộn với hàng hóa có hóa đơn chứng từ rồi đưa vào sâu trong thị trường nội địa bằng xe khách, xe cá nhân để đưa đi tiêu thụ. Trong vài năm trở lại đây, với hoạt động kinh doanh trực tuyến nở rộ, nguy cơ phát sinh nhiều hành vi vi phạm mới trên không gian mạng đã khiến công tác quản lý thị trường càng thêm phức tạp.
Nguyên nhân do Việt Nam có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở cho nên gây nhiều khó khăn trong việc tuần tra kiểm soát, nhất là khi gặp thời tiết bất ổn. Mặt khác, giá nhiều loại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước láng giềng đang có sự chênh lệch lớn cho nên thường bị các đối tượng lợi dụng để hưởng lợi. Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp gần đây là một trong những yếu tố khiến cư dân biên giới tham gia vận chuyển hàng lậu.
Bên cạnh đó, nhận thức về đấu tranh chống buôn lậu có lúc, có nơi chưa thống nhất, việc chỉ đạo thực hiện ở mỗi ngành, mỗi địa phương có khác nhau. Hệ thống pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất hàng giả và gian lận thương mại còn chồng chéo, chưa phù hợp; lực lượng kiểm tra, kiểm soát mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế,…
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong 10 tháng năm 2021, lực lượng này đã kiểm tra hơn 62 nghìn vụ việc (tương đương hơn 2.000 vụ/ngày), phát hiện, xử lý gần 37 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 282 tỷ đồng. Trong đó, các vi phạm liên quan nhiều nhất tới các nhóm hàng thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, thuốc lá điếu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, thực phẩm,... Trong đó, hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu; hàng thực phẩm, mỹ phẩm, túi xách, giày dép, quần áo thời trang, thiết bị phòng hộ y tế phòng, chống dịch Covid-19 không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Càng về cuối năm, các hành vi vi phạm càng có chiều hướng gia tăng hoặc lợi dụng dịch bệnh, tạo nên những cơn sốt giá vào dịp cuối năm để kiếm lời bất chính, gây lũng loạn thị trường. Tại Hội nghị giao ban quý III/2021 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh: Từ nay tới cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng lên, dẫn đến tình trạng các đối tượng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả và buôn lậu hoạt động mạnh.
Vì vậy, các lực lượng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; xử lý nghiêm việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu và việc quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng. Trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác, nhất là trong phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không nể nang, bao che, không gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến cuối năm là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh cho biết, đã chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương từ nay đến cuối năm tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ xuất xứ. Ðồng thời, liên tục kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết hoặc khi dịch bệnh bùng phát, đối với các mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, để công tác quản lý thị trường đạt hiệu quả cao, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng khác nhằm bảo đảm sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc,… Thực tế này đặt ra yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh nhằm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; phối hợp lực lượng chức năng khác ngay từ các địa phương biên giới, địa bàn trọng điểm, ngăn chặn không để hàng hóa nhập lậu vào thị trường trong nước nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ và chấp hành pháp luật trong hoạt động mua sắm, tiêu dùng, không tiếp tay cho kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả; tích cực tham gia đấu tranh, phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường.