Chất lượng điều hành cấp tỉnh qua lăng kính PCI 2024

Bích Ngọc

Kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện khi so sánh trong hai thập kỷ qua. Một số điểm tích cực trong năm vừa qua là các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tài liệu quy hoạch và pháp lý; thuận lợi hơn trong gia nhập thị trường khi thời gian thực hiện đăng ký kinh doanh; được pháp luật bảo vệ trong vấn đề bản quyền hoặc thực thi lao động...

Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Đây là một trong những công cụ tin cậy thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương, từ đó góp phần nuôi dưỡng và phát triển khu vực kinh tế tư nhân – trụ cột của nền kinh tế năng động và bền vững.

Kết quả PCI 2024 của VCCI vừa công bố cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện khi so sánh trong hai thập kỷ qua. Điều này thể hiện ở điểm số PCI của tỉnh/thành phố trung vị trên toàn quốc đạt 67,67 điểm, tăng hơn 1 điểm so với năm 2023. Đây là năm thứ 8 liên tiếp điểm số PCI trung vị vượt mốc 60 điểm. Chỉ số PCI gốc của tỉnh/thành phố trung vị năm 2024 đạt 68,18 điểm, tăng 1,6 điểm so với 2023, tiếp tục đà cải thiện liên tục từ năm 2016 đến nay.

Một trong những điểm tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mội trường kinh doanh trong năm vừa qua là các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tài liệu quy hoạch và pháp lý mà không phải tận dụng “các mối quan hệ” nhờ tăng cường tính minh bạch thông tin.

Các doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong gia nhập thị trường khi thời gian thực hiện đăng ký kinh doanh chỉ còn khoảng 7 ngày, thấp hơn nhiều so với mức gần một tháng cách đây 20 năm. Năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục đánh giá cao chất lượng thủ tục đăng ký doanh nghiệp khi có tới 93% doanh nghiệp cho rằng thủ tục minh bạch, 91% doanh nghiệp nhận được hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ và 86% doanh nghiệp hài lòng về chuyên môn và thái độ của cán bộ tiếp nhận. Các doanh nghiệp cũng đánh giá thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện cũng có sự cải thiện đáng kể so năm 2023.

Trong những năm qua, phần lớn các doanh nghiệp tin tưởng khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi lao động và đánh giá tòa án các cấp tại địa phương xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật, giải quyết các vụ việc kinh tế nhanh chóng; bản án, quyết định của Tòa án được thi hành kịp thời. Đồng thời, các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả khi có tranh chấp.

Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp lo ngại là tính năng động của chính quyền địa phương có dấu hiệu suy giảm trong giải quyết vấn đề mới phát sinh. Một điểm đáng chú ý khác là trong khảo sát 2024 năm 2024, chỉ có 53% doanh nghiệp cho rằng chính quyền tỉnh thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân. Con số này cho thấy chính quyền các địa phương cần thực sự vào cuộc để triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Chất lượng xử lý thủ tục hành chính cũng có dấu hiệu chững lại trong năm 2024 với 83% doanh nghiệp cho rằng thời gian thực hiện thủ tục hành chính ngắn hơn quy định, thấp hơn tỷ lệ 86% của năm trước; khoảng 79% doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục (giảm nhẹ so với 82–83% của hai năm 2022–2023).

Cùng với đó, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hơn trong tiếp cận đất đai. Năm 2024, tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn khi tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng giảm mạnh xuống còn 33% năm 2024 (so với 55% năm 2021, 48% năm 2022 và 41% năm 2023). Trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, nhiều doanh nghiệp cho rằng thời gian giải quyết kéo dài quá quy định; thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian; cán bộ tiếp nhận không hướng dẫn chi tiết…

Chi phí không chính thức cũng đang có dấu hiệu quay trở lại. Năm 2024, gần 37% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức, tăng nhẹ so với 33% năm 2023. Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra lên đến 28% (so với 16% năm trước). Tỷ lệ này khi thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện lên gần 55% (cao hơn nhiều so với 2023); về thủ tục đất đai là khoảng 50% (so với gần 38% năm 2023). Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức trong đấu thầu công ở địa phương cũng tăng từ 27,6% năm 2023 lên 28,6% năm 2024.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo. Những vấn đề tồn tại trên đòi hỏi chính quyền các địa phương cần quyết tâm cao hơn trong việc cải thiện nền tảng thể chế, nâng cao chất lượng điều hành và tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và minh bạch.