Chính sách tài chính linh hoạt tạo đà phát triển đột phá về khoa học công nghệ và chuyển đổi số
Các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp cùng chung nhận định tại buổi tham vấn chính sách do Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 TP.HCM tổ chức ngày 12/5, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 57/NQ-TW và các chương trình hành động của Thành phố về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nhiều “rào cản” đối với doanh nghiệp KHCN
Tại sự kiện, các chuyên gia đều cho rằng, doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) tại Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, chính sách tài chính, thuế… Đây còn là nguyên nhân làm chậm tiến trình đổi mới và phát triển ở lĩnh vực KHCN.

Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Viettel Solutions (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, doanh nghiệp tư nhân là động lực chính để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số. Tuy nhiên, các dự án mới thường bị cản trở bởi thủ tục hành chính phức tạp, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và nguồn lực.
Ông Tuấn chỉ ra sự mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng GDP và phát triển bền vững, việc này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải xác định rõ ưu tiên trong chính sách. Theo ông, cải cách thủ tục hành chính không chỉ là cần thiết mà còn là yếu tố sống còn để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các sáng kiến công nghệ.
Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cho biết, thời gian qua, HDBank luôn nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp KHCN thông qua kế hoạch thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm và các chương trình cho vay đặc thù. Tuy nhiên, ngân hàng gặp khó khăn do quen thuộc với mô hình cho vay nợ hơn là đầu tư vốn, trong khi các quy định hiện hành thường gây cản trở cho việc thành lập quỹ mạo hiểm.
Để vượt qua thách thức này, HDBank đang tìm cách hợp tác với các đối tác như Galaxy Holding, nhưng rủi ro tài chính vẫn là một trở ngại đối với HDBank. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ thường thiếu mạng lưới đối tác mạnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp KHCN thường đối mặt với chi phí vận hành cao và khó tiếp cận nguồn vốn do thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể. Một trong những mô hình giảm thiểu rủi ro là tập trung vào "chuỗi" kinh doanh với những đối tác có tiềm lực và khả năng chống chịu tốt.
Đồng quan điểm, bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch Investment Business Partners (IBP), Trưởng ban tổ chức InnoEx kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh đánh giá, các quy định về vườn ươm công nghệ cao (năm 2013), đã lạc hậu và không còn phù hợp với thực tiễn. Điều này dẫn đến việc rất ít vườn ươm đạt chuẩn, hạn chế sự phát triển của các hệ sinh thái công nghệ.
Bà Phi nhấn mạnh, sự thiếu hụt các chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào công nghệ cao, đặc biệt là trong các khu công nghệ cao với quy định nghiêm ngặt về điều kiện tham gia. Cùng với đó là thủ tục hành chính phức tạp khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận các nguồn tài chính hỗ trợ, trong khi vấn đề sở hữu trí tuệ trong chuyển giao nghiên cứu từ trường đại học ra thị trường vẫn chưa được giải quyết rõ ràng. Những rào cản này không chỉ làm chậm quá trình thương mại hóa mà còn khiến doanh nghiệp mất cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ở khía cạnh khác, ông Vũ Văn Đảo, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp gặp khó không chỉ do thiếu quy định mà ở cách thực thi pháp luật, với các tiêu chuẩn và quy chuẩn đôi khi thiếu thực tế, cản trở sự sáng tạo. Điển hình là câu chuyện của một doanh nghiệp KHCN đóng tàu (ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gặp khó khăn suốt 13 năm do đóng tàu bằng vật liệu mới vướng về tiêu chuẩn, trong khi cơ quan quản lý thường tránh trách nhiệm khi phê duyệt các sản phẩm chưa có tiền lệ.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” để tạo đà phát triển
Trước những thách thức trên, các doanh nghiệp và chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm cải cách chính sách về tài chính, thuế để thúc đẩy KHCN và ĐMST. Một trong những giải pháp trọng tâm là mở rộng cơ chế Sandbox (thử nghiệm có kiểm soát), cho phép thử nghiệm các công nghệ và quy định mới trong môi trường kiểm soát. Cơ chế này không chỉ giúp doanh nghiệp thử nghiệm sáng kiến mà còn tạo cơ sở để cơ quan quản lý xây dựng khung pháp lý phù hợp.
Bà Trương Lý Hoàng Phi đề xuất điều chỉnh quy định tại các khu công nghệ cao để khuyến khích đầu tư tư nhân, đồng thời kiến nghị chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp lớn thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo tại các khu vực phù hợp, không nhất thiết nằm trong khu công nghệ cao.
Bà Phan Thị Mỹ Yến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội doanh nghiệp KH&CN Việt Nam đưa ra kiến nghị, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính hỗ trợ, đồng thời, đề xuất cơ chế rõ ràng về sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy chuyển giao nghiên cứu từ trường đại học ra thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn gợi ý, cơ quan chức năng nên chọn khoảng 500 doanh nghiệp ưu tiên trong các ngành sản xuất như cơ khí và chế tạo, làm việc trực tiếp với họ để xác định các vấn đề về thể chế, thị trường và tài chính. Đồng thời, đo lường tiến độ phát triển của các doanh nghiệp bằng các chỉ số cụ thể theo tháng, quý, năm; giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra, Nhà nước cần đặt hàng sản phẩm công nghệ cao từ doanh nghiệp trong nước, tạo thị trường ứng dụng KHCN và thúc đẩy nội địa hóa sản phẩm.
Ông Lê Trường Duy, Giám đốc HCMC C4IR nhấn mạnh, sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng với việc khai thác tối đa các cơ chế đã có và tư duy đột phá là rất cần thiết để đưa KHCN, đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị và các Chương trình hành động của UBND TP. Hồ Chí Minh về phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp về cải thiện chính sách thuế thu nhập cá nhân; thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài nhằm giúp thu hút nhân tài quốc tế. Cùng lúc, việc thành lập quỹ đầu tư công tư cũng được xem là giải pháp để giải quyết vấn đề sở hữu kết quả nghiên cứu và chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.
Tại sự kiện, ông Lê Trường Duy, Giám đốc HCMC C4IR đánh giá cao các ý kiến đóng góp, các kiến nghị về chính sách. Với vai trò cầu nối giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thời gian tới C4IR tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến nghị và thí điểm chính sách, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu.
Ông Duy đề cập đến tinh thần “bốn cùng” (cùng nghiên cứu, cùng khuyến nghị, cùng thực hiện và cùng thụ hưởng) sẽ làm nền tảng cho các hoạt động của trung tâm. C4IR luôn ưu tiên các nghiên cứu dài hạn về KHCN, đặc biệt trong sản xuất thông minh với công nghệ như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo…
Thời gian tới, C4IR cũng sẽ triển khai thành lập quỹ tài chính xanh và số, thí điểm Sandbox cho ứng dụng AI và 5G, cũng như xây dựng sàn giao dịch công nghệ quốc tế để thúc đẩy thương mại hóa nghiên cứu. Ông kêu gọi doanh nghiệp tham gia mạng lưới liên kết của C4IR, hình thành mạng lưới “bốn nhà” (nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp và nhà truyền thông) để cùng giải quyết các thách thức và thúc đẩy KHCN.