Chất lượng tư vấn bảo hiểm – điểm nghẽn quan trọng cần được tháo gỡ
“Chướng ngại vật” lớn nhất cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm năm 2023-2024 chính là niềm tin bị đánh tráo bởi cả người bán lẫn người mua và người thụ hưởng, khi chất lượng tư vấn còn chưa đạt chuẩn.
“Thay máu” để nâng cao đồng đều chất lượng tư vấn viên
Ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, tư vấn bảo hiểm được coi là một trong những nghề quan trọng ở hiện tại và tương lai. Khi xã hội phát triển, nhu cầu quản lý tài chính thông qua các chương trình bảo hiểm sẽ được nâng cao. Do đó, tư vấn viên như một cầu nối giữa khách hàng với hãng bảo hiểm, giúp tạo dựng những trụ cột tài chính hiệu quả.
Với vai trò là chiếc cầu nối, việc nâng cao chất lượng tư vấn viên là một trong những biện pháp bảo vệ khách hàng mà doanh nghiệp bảo hiểm cần làm. Đồng thời, việc tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm sẽ tạo niềm tin cho người dùng sản phẩm.
Tại thời điểm phát triển “nóng” đầu năm 2023, thị trường bảo hiểm Việt Nam có hơn 800.000 tư vấn viên. Tuy nhiên, bên cạnh những tư vấn viên được đào tạo bài bản, có tâm với nghề, chất lượng nhân sự bảo hiểm vẫn có những vấn đề nhất định.
“Khi nhu cầu mua bảo hiểm tăng, doanh nghiệp phải tuyển dụng cấp tốc, đào tạo cấp tốc dẫn đến việc chất lượng dịch vụ của các tư vấn viên không đồng đều”, ông Dũng cho biết.
Đặc biệt, khi kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tăng tốc, vấn đề về chất lượng tư vấn viên càng trở nên “hỗn loạn” và đã gây ra làn sóng phản đối của khách hàng vì cho rằng bị ép mua bảo hiểm hoặc tư vấn sai lệch gần đây.
Tình trạng tư vấn viên tư vấn không đúng, cố tình mập mờ khi tư vấn cho khách hàng đã diễn ra thời gian dài, khiến khách hàng gặp không ít khó khăn và mất niềm tin vào bảo hiểm nhân thọ, hiểm sai về bản chất và ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm nhân thọ.
Để kiểm soát thị trường, củng cố niềm tin cho người dân, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 67/2024/TT-BTC, cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đại lý bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung trong quá trình tư vấn. Phía công ty bảo hiểm lưu trữ và bảo mật các tài liệu, dữ liệu ghi âm ít nhất 5 năm. Đối với sản phẩm bảo hiểm đầu tư, hoa hồng chi trả cho đại lý chính thức áp mức thay đổi, góp phần tránh trường hợp đại lý nhảy vào bán vài hợp đồng, rồi bỏ khách hàng "mồ côi".
Theo ông Dũng, quy định của Thông tư số 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính rất chặt chẽ, ban đầu có thể gây ra một chút khó cho doanh nghiệp bảo hiểm, song về tổng thể lại bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và tạo đà tăng trưởng cho thị trường trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để thanh lọc hệ thống bán hàng, lọc bỏ những đại lý, tư vấn bảo hiểm không có tâm và thiếu kiến thức, đạo đức nghề nghiệp.
Chất lượng tư vấn bảo hiểm phải được chuẩn hóa và thẩm định kỹ
Theo TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), với dân số 100 triệu người, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh suốt hơn thập kỷ vừa qua. Thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ tầng lớp trung lưu trở lên trong tổng dân số cũng tăng khá nhanh, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vì thế có tiềm năng tăng trưởng mạnh những năm tới.
“Tiềm năng lớn, nhưng ngành Bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa thể phát triển, bứt tốc xứng tầm. Mặc dù lợi ích của bảo hiểm nhân thọ mang lại cho mỗi cá nhân, gia đình người dân, quốc gia lớn và đã được khẳng định, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đang dần trở thành sản phẩm tài chính thiết yếu của mỗi cá nhân sau cái đói, cái rét, cái thất học”, ông Nghĩa trăn trở.
Chủ tịch VFCA cho rằng, chính các hãng bảo hiểm cũng nhận định thị trường hiện nay là giai đoạn: "Bán hàng phải đi cùng tư vấn tài chính chuẩn", tức là người bán (nhà tư vấn bảo hiểm nhân thọ) buộc phải nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng tầm hiểu biết về hoạch định tài chính cá nhân, tư vấn cho khách hàng lựa chọn giải pháp/sản phẩm phù hợp nhất với bức tranh tài chính toàn diện của khách hàng".
Theo ông Nghĩa, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của 4 bên: Cơ quan quản lý Nhà nước, các hãng bảo hiểm, người hành nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ và dân trí tài chính. Để khơi thông dòng chảy cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của các hãng bảo hiểm đến được với cá nhân thụ hưởng, thúc đẩy xã hội phát triển văn minh và bền vững, ông Nghĩa nhấn mạnh, đã đến lúc câu chuyện nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ đến đúng chuẩn cho khách hàng cần phải được thảo luận và tìm giải pháp tháo gỡ một cách căn cơ và đồng bộ.
“Các chương trình đào tạo người tư vấn tài chính hiện nay đang giải quyết về mặt kỹ năng là chính, nhưng chưa đảm bảo đủ chất lượng theo thông lệ quốc tế trong khi thị trường bảo hiểm đang phát triển nhanh chóng trong vài năm trước. Nghề tư vấn tài chính trong bảo hiểm cần hài hòa lợi ích của bản thân và cả phía người mua. Để làm được điều đó, người tư vấn phải có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp được chuẩn hóa và thẩm định, chứ không phải tự hô hào", ông Nghĩa khẳng định.
Chính phủ đã ban Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 5/01/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường trong nước và khu vực…