Nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm, góp phần phát triển thị trường
Dù có những đóng góp quan trọng đối với phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực Bảo hiểm Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng tầm, do định kiến và nhận thức hạn chế của người dân, doanh nghiệp về vai trò và ý nghĩa của bảo hiểm.
Thị trường phát triển chưa xứng tầm
Thời gian qua, thị trường bảo hiểm đã đóng vai trò tốt trong hỗ trợ kinh tế phát triển, tạo tâm lý an tâm cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh thì bảo hiểm đã phần nào chia sẻ mất mát và giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Điều này được thể hiện rõ nét khi cơn bão số 3 càn quét các tỉnh miền Bắc vừa qua.
Đối với người dân, bão số 3 gây nhiều mất mát, đau thương; đối với nhiều địa phương, rất lâu mới có thể phục hồi lại nền kinh tế, với ngành Bảo hiểm cũng vậy. Song, cùng với cả nước, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nhanh chóng tiếp cận địa bàn, bám sát diễn biến và khẩn trương có phương án hỗ trợ tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, tái thiết sản xuất kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính.
Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến 17h ngày 16/10/2024, ước thiệt hại do bão Yagi lên tới 12.811 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng thiệt hại do bão gây ra; trong đó, chủ yếu là các bảo hiểm về tài sản kỹ thuật, xe cơ giới (chiếm 96%). Đến nay, các doanh nghiệp đã tạm ứng bồi thường, chi trả bồi thường 213 tỷ đồng.
Về bảo hiểm thân tàu (liên quan tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch), các doanh nghiệp đã chi trả bồi thường 209 tỷ đồng. Về bảo hiểm sức khỏe có 46 vụ, bảo hiểm đã chi trả, bồi thường 4 tỷ đồng liên quan đến tai nạn…
Những con số trên cho thấy những đóng góp quan trọng của ngành Bảo hiểm đối với phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu so sánh rộng hơn, ngành Bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng của Việt Nam vẫn phát triển chưa xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tỷ lệ được chi trả bảo hiểm do bão số 3 mới chiếm khoảng 17%. Trong khi đó, cơn bão Milton vừa đổ vào nước Mỹ ngày 10/10 vừa qua gây tổn thất dự kiến khoảng 170 tỷ USD thì có tới 125 tỷ USD được bảo hiểm, chiếm tỷ lệ 74%. Trên thế giới, tỷ lệ mua bảo hiểm trung bình khoảng 90%. So sánh các con số và tỷ lệ được bảo hiểm cho thấy, Việt Nam vẫn trong nhóm các nước có tỷ lệ tham gia bảo hiểm rất thấp.
Tại Việt Nam, doanh thu bảo hiểm năm 2023 vào khoảng 9 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP, trong khi mức trung bình của châu Á là 4% và thế giới là khoảng 9%. Tổng vốn chủ của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trong năm 2023 là khoảng 190.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 39.000 tỷ đồng.
“Những con số này cho thấy ngành Bảo hiểm của Việt Nam vẫn còn rất non trẻ”, ông Tuấn chia sẻ.
Đẩy mạnh tuyên truyền góp phần phát triển thị trường bảo hiểm
Lý giải về việc ngành Bảo hiểm chưa phát triển tương xứng, bà Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, vẫn có tình trạng người dân, doanh nghiệp chưa hiểu hết vai trò của bảo hiểm. Nguyên do một phần vì công tác truyền thông làm chưa thực sự tốt; mặt khác là bởi hiệu ứng không tích cực khi có một số vụ tranh chấp về bảo hiểm, khiến người dân có định kiến với bảo hiểm.
Theo bà Nguyên, về lâu dài, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp và người dân hoàn toàn yên tâm được bảo vệ, không có cảm giác thiệt thòi trong cuộc chơi này. Cùng đó, cần tăng cường thanh tra, giám sát, để khi có dấu hiệu vi phạm thì kịp thời ngăn chặn.
Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ tư vấn viên; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho người dân, khách hàng tham gia bảo hiểm.
Bên cạnh đó, bà Nguyên cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm.
“Cần tuyên truyền rộng rãi, không chỉ cho người dân, doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý cùng hiểu rõ về vai trò của bảo hiểm. Khi tổn thất xảy ra, nhờ có bảo hiểm nên khách hàng được chi trả bồi thường, song chính Nhà nước cũng giảm bớt được kinh phí khắc phục”, bà Nguyên nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình khóa XV cho biết, ở các nước tiên tiến, việc tham gia bảo hiểm là rất phổ biến. Có những đứa trẻ vừa sinh ra được bố mẹ mua bảo hiểm cho, chưa nói đến bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, khái niệm, ý nghĩa của bảo hiểm tại Việt Nam vẫn chưa được người dân biết đến và hiểu hết.
Trải qua những mất mát, đau thương do cơn bão số 3 vừa rồi, nhiều người dân, doanh nghiệp mới hiểu được ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm khi gánh nặng tài chính, chia sẻ động viên tinh thần của ngành Bảo hiểm mang lại.
“Nếu vừa rồi, các công ty, doanh nghiệp sản xuất, cá nhân tham gia bảo hiểm, thì những thiệt hại do thiên tai, rủi ro không mong muốn đều được công ty bảo hiểm gánh đỡ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn rất thờ ơ với câu chuyện tham gia bảo hiểm, ngay cả bảo hiểm bắt buộc. Do đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm”, ông Thân chia sẻ.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, một phần nguyên nhân khiến bảo hiểm chưa phát triển là bởi những định kiến trong xã hội. Vì thế, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh. Song, nếu chỉ tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội là chưa đủ, cần thông qua các hiệp hội, tổ chức, các cấp ủy chính quyền địa phương.
“Quan trọng nhất là phải biết được hiện nay các doanh nghiệp, cá nhân chưa tham gia bảo hiểm là những đơn vị nào, cần tiếp cận như thế nào và tuyên truyền theo hình thức nào có hiệu quả, tức phải sâu sát thì mới hiệu quả”, ông Cừ nói.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, trong đó nêu rõ mục tiêu đưa doanh thu ngành Bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3% - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% - 3,5% GDP. Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.