Chật vật vì giá cả tăng
Người tiêu dùng đang chật vật vì giá cả nhiều mặt hàng tăng, tác động từ giá xăng dầu liên tục điều chỉnh trong thời gian qua. Còn người bán cũng lo vì giá mà sức mua chững lại.
Đi làm tại TP. Hồ Chí Minh nhưng gia đình ở tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, anh Lương Văn Đông, ở phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Kể cả trong tết vé xe khách cũng chưa tăng giá, còn ở mức 150.000 đồng mà từ cuối tháng 2 đến nay, tuyến Vị Thanh - TP. Hồ Chí Minh tăng 155.000 đồng rồi đến 160.000 đồng/vé. Chưa kể là giá cước các dịch vụ xe ôm công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tăng, mỗi lần về nhà và quay lại chỉ riêng tiền di chuyển thôi cũng khoảng 400.000 đồng. Nếu trước kia mỗi tháng tôi về khoảng 3-4 lần thì nay rút lại còn 2 lần để tiết kiệm một phần chi phí”.
Người lao động đã vậy, các sinh viên với phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy còn khó khăn hơn. Em Nguyễn Thị Huyền Trân - sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Vật giá leo thang, nhất là giá xăng dầu tăng cao cũng tác động không nhỏ đến sinh hoạt của sinh viên như tụi em. Giá xăng gần đây đã tăng cao, 50.000 đồng chưa đổ được nửa bình xăng. Mỗi tuần em phải đổ xăng 200.000 đồng để đi học, đi làm thêm chưa kể tới cuối tuần có về quê. Còn các khoản tiền chi tiêu cố định hàng tháng cũng tăng lên khoảng 25%. Do đó, để tiết kiệm chi phí, em cũng hạn chế việc về nhà hàng tuần, hạn chế những chuyến đi không thật sự cần thiết”.
Đối với người lao động nhận tiền công theo ngày, giá cả hàng hóa còn “bào mòn” thu nhập thấy rõ. Như chị Nguyễn Thị Thu Hồng, ở ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, trước đây chi phí tiền chợ mỗi ngày của chị rơi vào khoảng 100.000 đồng/ngày (nhà có 5 người, 2 vợ chồng và 3 đứa con) đã là khá gói ghém rồi. Nhưng hiện giờ thì trung bình phải lên cỡ trên 130.000 đồng tùy ngày thì mới đủ. Trong khi chị làm phụ hồ có tiền công mỗi ngày là 180.000 đồng không tăng thêm nên tiền chợ, tiền xăng hiện giờ đã chiếm gần hết.
Khảo sát thực tế tại các chợ truyền thống, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả đã có biến động tùy loại. Giá rau củ quả điều chỉnh tăng nhẹ, cụ thể tại chợ nông thôn Vị Thanh giá các loại bầu, bí xanh, mướp đều tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước, giá khoảng 12.000 đồng/kg, cải ngọt 18.000 đồng/kg, dưa leo 14.000 đồng/kg.
Một số loại có giá ổn định trong tháng như bắp cải 12.000 đồng/kg, rau xà lách xoong 5.000 đồng/bó, rau muống 5.000 đồng/bó và tần ô 40.000 đồng/kg. Riêng các loại thủy hải sản mức tăng giá nhẹ không đáng kể, hầu hết dao động khoảng 50.000 đồng/kg đối với các loại cá nuôi và từ 100.000-120.000 đồng/kg đối với cá đồng, tôm sú từ 100.000-220.000 đồng/kg tùy kích cỡ.
Bà Trần Thị Lan, bán rau rủ tại chợ Vị Thanh, thông tin: Giá cả một số món lấy ở xa tăng, do chi phí chuyên chở từ đầu mối lên giá và thời tiết nắng nóng, hàng dễ bị hư, dập trên đường vận chuyển. Còn đồ rẫy tại địa phương nhìn chung vẫn ở mức chấp nhận được. Bên cạnh đó thì một số loại hút hàng vào thời gian gần đây do nhu cầu mua về nấu đám tiệc của người dân tăng mạnh, như nấm kim châm tăng mỗi ký đến 10.000 đồng chỉ trong mấy ngày. “Người buôn bán cũng mong ổn định chứ “giựt” giá đột ngột quá người ta sẽ mua ít hoặc không mua thì mình cũng ôm lỗ thôi”, bà Lan cho biết thêm.
Ngoài ra, các loại trái cây giải nhiệt mùa nắng nóng cũng đang có nhu cầu khá cao và giá điều chỉnh tăng, như cam xoàn có giá 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với tháng trước, cam sành 25.000 đồng/kg, bưởi da xanh từ 35.000-40.000 đồng/kg, khóm Cầu Đúc 9.000 đồng/trái, chanh không hạt 25.000 đồng/kg. Một tiểu thương bán trái cây, chia sẻ: “Giá cả khi đầu mối giao số lượng lớn đã tăng khoảng 10% nhưng hiện vẫn cân đối được món nào đỡ món đó chứ không tăng nhiều, cũng có nhiều món tăng giá do hút hàng vào thời điểm nắng nóng”.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 2, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có 10 nhóm tăng giá so với tháng trước, trong đó các nhóm tăng nhiều là dịch vụ ăn uống, lương thực, thực phẩm, giao thông, vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình… Các mặt hàng trong nhóm này đều ảnh hưởng trực tiếp tới thói quen tiêu dùng, kinh doanh, buôn bán, đi lại của người dân.
Hiện nay, các ngành chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp bình ổn giá cả, kiểm soát thị trường, cân đối giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Đánh giá sát việc tăng giá có phù hợp với các biến động đầu vào hay không, đặc biết là chi phí xăng dầu trong yếu tố cấu thành giá.