Châu Âu có thể trở thành mục tiêu chiến tranh thương mại tiếp theo của ông Trump
Cuối tháng 7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker rời Washington với một "thỏa thuận ngừng bắn" thương mại với Mỹ. Sau cuộc đàm phán tốt đẹp không ngờ với chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông Juncker có lý do để tin rằng châu Âu sẽ thoát khỏi miệng hố chiến tranh thương mại với Mỹ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 30/8, ông Trump phát tín hiệu rằng EU có thể sẽ là mục tiêu chiến tranh thương mại tiếp theo. Châu Âu "cũng tệ như Trung Quốc vậy, chỉ có điều nhỏ hơn", ông chủ Nhà Trắng tuyên bố.
Phát biểu này của ông Trump đặt ra hoài nghi về sự bền vững của thỏa thuận mà ông đã có với ông Juncker.
Hồi đầu năm nay, sau khi Mỹ áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu, nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương đã nổi lên.
Thỏa thuận trong chuyến đi của ông Juncker làm lóe lên những tia hy vọng rằng một cuộc chiến thương mại trên diện rộng giữa hai bên sẽ không nổ ra. Nếu xảy ra, một cuộc chiến như vậy có thể làm rung chuyển trật tự thế giới đã có từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tuyên bố này cho thấy rõ vì sao ông Trump vẫn bị xem là một nhà thương lượng hay thay đổi, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể mang lại kết quả. Thậm chí khả năng đạt thỏa thuận thay thế Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) cũng bị hồ nghi, dù một thỏa thuận có vẻ đã đến rất gần.
"Việc ngừng bắn đôi khi gặp rủi ro, nhưng sẽ được duy trì", ông Juncker nói với đài ZDF của Đức ngày thứ Sáu. Tuy nhiên, ông khẳng định nếu ông Trump áp thuế quan bổ sung lên xe hơi nhập khẩu từ châu Âu, thì EU sẽ trả đũa ngay lập tức.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn từ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ông Trump so sánh đồng Euro yếu với đồng Nhân dân tệ - đồng tiền mà ông cho là bị thao túng để gây bất lợi cho các công ty Mỹ và làm suy yếu nỗ lực của ông trong việc điều chỉnh các mất cân đối thương mại toàn cầu.
"Chúng tôi phải cạnh tranh với không chỉ đồng Nhân dân tệ mà với cả Euro", ông nói. "Những đồng tiền đó cứ giảm, giảm, giảm".
Ông Trump cũng chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc Đức mua năng lượng từ Nga, cho rằng việc này làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà chính bà Merkel luôn lên tiếng bảo vệ trước sự phê phán của ông.
"Tôi đã bảo với bà ấy rằng tôi thấy thật nực cười khi bà ấy có một NATO bảo vệ trước một quốc gia khác, và bà ấy lại trả một đống tiền cho quốc gia đó", ông Trump nói. "Tôi nói rằng: ‘đó là thỏa thuận kiểu gì vậy?’".
Khi được hỏi liệu ông có thể thắng châu Âu như ông tin ông có thể thắng Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, ông Trump nói ông tin chắc sẽ thắng. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng ông sẵn sàng ký thỏa thuận và tin EU cũng muốn như vậy.
"Họ muốn đạt thỏa thuận đến chết đi được", ông nói.