Thương mại Mỹ - Trung khó thoát bế tắc

Theo TTXVN

Theo báo Liên hợp Buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, các quan chức cấp thứ trưởng của Trung Quốc và Mỹ nối lại các cuộc đàm phán thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các nhà phân tích cho rằng do cấp đại diện ở vòng đàm phán lần này tương đối thấp, nên kỳ vọng của hai bên vào kết quả đàm phán không cao, trừ phi Trung Quốc đưa ra nhượng bộ mang tính thực chất, nếu không bế tắc của cuộc chiến thương mại khó có thể có được đột phá trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào cuối năm nay.

Theo thông báo mới đây, nhận lời mời của phía Mỹ, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn dẫn đầu phái đoàn nước này đến Mỹ vào cuối tháng 8/2018 và có các cuộc hội đàm với Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass.

Đây là lần đầu tiên hai bên nối lại đàm phán kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ hồi đầu tháng 7/2018. Các vòng đàm phán trước do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu, đối diện với ông là các nhân vật cấp Bộ trưởng của Mỹ (Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin).

Vòng đàm phán lần này không chỉ có cấp đại diện tương đối thấp mà đại diện phía Mỹ cũng chỉ giới hạn ở Bộ Tài chính, điều này khiến dư luận không mong đợi quá nhiều vào kết quả đàm phán.

Scott Kennedy - chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington - nhận định vòng đàm phán lần này xem ra sẽ lãng phí thời gian của chính phủ hai nước, đặc biệt là Chính phủ Trung Quốc, bởi chẳng ai có thể nghĩ rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ có quyền đưa ra bất kỳ quyết định gì để kết thúc cuộc chiến thương mại.

Trong khi đó, Giáo sư Quan hệ quốc tế Bàng Trung Anh của Đại học Hải Dương Trung Quốc cho rằng Trung-Mỹ cử đại diện cấp Thứ trưởng tham gia đàm phán có nghĩa đây là lần tiếp xúc mang hình thức thăm dò, nếu đàm phán thuận lợi, tiếp theo có thể có sự “xuất đầu lộ diện” của các quan chức cấp cao hơn như Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn.

Nếu đàm phán tiến triển thuận lợi, lãnh đạo hai nước Trung-Mỹ có thể sẽ có các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina và Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Papua New Guinea vào cuối năm nay. Chuyến đi của  Vương Thụ Văn lần này, vì vậy, được giới phân tích lý giải là “cuộc đàm phán để làm nền cho các cuộc đàm phán khác”.

Phó Giám đốc Học viện Tài chính thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc Triệu Tích Quân cho rằng, các vòng đàm phán trước có đại diện cấp cao, cuối cùng đều do phía Mỹ không hài lòng nên khiến cho kết quả của các cuộc đàm phán không được thực hiện, vì vậy cấp đại diện cao thấp không phải là nhân tố quyết định sự thành công của các cuộc đàm phán. Ông nhấn mạnh: “Điều then chốt là liệu Mỹ có thực sự muốn đàm phán với Trung Quốc hay không”.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới được coi là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến đàm phán Trung-Mỹ. Chuyên gia Triệu Tích Quân cho rằng Tổng thống Mỹ Trump là kẻ “cơ hội chủ nghĩa”, khi nền kinh tế Mỹ phát triển tốt, ông gây sức ép lên các nước khác, có thể là trong con mắt cử tri Mỹ đây là hành động được cộng điểm; khi nền kinh tế Mỹ xấu đi và cần thương mại hay đầu tư của nước khác, ông Trump sẽ lựa chọn phát triển quan hệ với các nước khác thuận theo kỳ vọng của cử tri.

Theo Giáo sư Bàng Trung Anh, nếu Trung Quốc không thể đưa ra những nhượng bộ lớn về cải cách cơ cấu kinh tế của nước này, Tổng thống Trump khó có thể giảm nhẹ sức ép đối với Trung Quốc trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ông chỉ rõ khi chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa yêu nước ở Mỹ dâng cao, người dân Mỹ ủng hộ Tổng thống Trump gây sức ép đối với Trung Quốc để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ và khắc phục ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với họ.

Bàng Trung Anh còn phân tích rằng sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại Trung-Mỹ đã diễn ra trong nhiều năm qua, đã đến thời điểm Trung Quốc phải tính toán và điều chỉnh lại những vấn đề mang tính cơ cấu để quan hệ Trung-Mỹ lành mạnh và phát triển hơn trong tương lai; ngược lại, nếu tiếp tục duy trì tình trạng đối đầu, rất có thể sẽ diễn biến thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế-xã hội ở Trung Quốc.