Châu Âu nỗ lực chống nạn gian lận tài chính và trốn thuế

Ths. Đặng Thùy Linh

“Bức màn” về Mossack Fonseca và hồ sơ Panama được vén lên làm rúng động cả thế giới và phần nào hé lộ các chiêu trốn thuế, gian lận tài chính của các tổ chức, cá nhân châu Âu – nơi mà tính minh bạch và thượng tôn pháp luật luôn được đặt lên đầu. Trước làn sóng phản đối của người dân về tình trạng gian lận tài chính và trốn thuế đang ngày càng có xu hướng tăng, chính phủ các quốc gia châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhanh chóng thiết lập các quy định pháp lý nhằm phòng ngừa và ngăn chặn, đồng thời tích cực hợp tác bắt tay trong cuộc chiến chống trốn thuế và gian lận tài chính đầy cam go này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vấn nạn trốn thuế và gian lận tài chính

Kể từ cuối thập niên 1970, các chuyên gia tài chính và an ninh quốc gia trên thế giới đã nghi ngờ về dòng chảy bí mật của luồng tiền khổng lồ, đổ về các “thiên đường thuế” lớn trên thế giới. Phần lớn chủ nhân khối tài sản khổng lồ này đều là những doanh nhân, nhà đầu tư, thậm chí cả những chính trị gia.

Theo kết quả điều tra ở châu Âu, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã sử dụng các “kỹ xảo” tinh vi như chuyển thu nhập và tài sản sang các chi nhánh ở những nước có quy định thuế suất thấp. Ngoài ra, nhiều công ty đa quốc gia châu Âu tìm mọi cách lách luật, để tránh phải đóng thuế tại quốc gia đang tiến hành hoạt động kinh doanh. Liên minh châu Âu ước tính hàng năm khu vực này thất thu khoảng 80 tỷ USD bởi các hành vi trốn thuế.

Báo The Guardian (Anh) mới đây cũng trích dẫn một nghiên cứu khoa học khẳng định, hơn 12.000 tỷ USD tài sản đã bị tuồn ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển, cất giấu tại những nơi trú ẩn tránh thuế, gây ra những tác hại khủng khiếp cho các nước nghèo.

Trong khi đó, theo Tổ chức Cứu trợ Công giáo (Christian Aid), ước tính mỗi năm các nước phát triển thất thoát khoảng 1.000 tỷ USD, nhiều gấp 8 lần số vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nước này nhận được.

Việc phanh phui “Hồ sơ Panama” gần đây cho thấy, quy mô và sự tinh vi của hoạt động tài chính bí mật ở nước ngoài và trên thế giới có hàng ngàn công ty chuyên thực hiện các dịch vụ che giấu tài sản cho những kẻ giàu có như Công ty Mossack Fonseca. Trong vụ bê bối này, châu Âu thực sự trở thành tâm điểm chú ý khi nhiều cá nhân, thậm chí nguyên thủ bị coi là có dính líu tới nhiều vụ gian lận tài chính và trốn thuế.

Theo hãng tin AFP, các doanh nghiệp đã sử dụng những phần lãnh thổ của Anh ở nước ngoài để trục lợi, thường là dưới vỏ bọc những công ty bình phong với các chủ sở hữu nặc danh. Thống kê cho thấy, có khoảng 310.000 công ty bình phong sở hữu khoảng 240 tỷ USD ở dạng bất động sản tại Anh, 10% trong đó liên quan tới Mossack Fonseca.

Ngoài ra, nhìn lại thời gian qua, có thể thấy rộ lên một số nghi án trốn thuế của các tập đoàn lớn tại một số nước châu Âu. Đáng chú ý là tại Thụy Điển, hãng bán lẻ đồ nội thất IKEA (Thụy Điển) mới đây bị cáo buộc đã gian lận khoảng 1 tỷ Euro tiền thuế trong vòng 6 năm.

Tại Italy, gần 15 tỷ euro là số tiền trốn thuế kỷ lục trong năm 2015 vừa được cơ quan thuế nước này truy thu. Italy cũng đang điều tra Tập đoàn tín dụng Credit Suisse vì cáo buộc liên quan tới việc chuyển 14 tỷ Euro ra các tài khoản ở nước ngoài để gian lận thuế.

Năm 2015, Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh cũng đã bị điều tra vì đã không đóng đồng tiền thuế nào nhờ tất cả lợi nhuận (khoảng 3 tỷ bảng Anh), đều được thực hiện thông qua một công ty bình phong đặt tại Hà Lan. Tháng 2/2016, Google cũng đã phải nộp cho Chính phủ Anh gần 200 triệu Euro tiền thuế truy thu trong một thập niên qua.

Tại Pháp, Google còn dính líu tới bê bối trốn thuế khi hãng công nghệ này bị yêu cầu nộp khoảng 1,6 tỷ Euro tiền thuế truy thu. Tại Bỉ, mới đây, Ủy ban châu Âu thông báo chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ Bỉ dành riêng cho 35 công ty đa quốc gia lớn tại đây là bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp này phải hoàn trả 700 triệu euro tiền thuế thất thoát...

Nỗ lực của châu Âu

Trong vài năm trở lại đây, các quốc gia châu Âu đang phải tuyên chiến với vấn nạn trốn thuế bắt nguồn từ những kẽ hở về pháp luật, khiến các nước trong khối EU bị thất thu hàng nghìn tỷ Euro tiền thuế mỗi năm. Ngày 22/5/2013, lãnh đạo các nước thuộc EU đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để bàn về các biện pháp chống gian lận và trốn thuế trong bối cảnh những tập đoàn kinh tế lớn như: Amazon, Google, Starbucks và Apple bị cáo buộc trốn một khoản tiền lớn giữa lúc tình hình kinh tế khó khăn.

Đồng thời đi đến thống nhất đẩy mạnh cuộc chiến chống nạn trốn thuế khi thông qua kế hoạch thúc đẩy tính minh bạch của hệ thống các ngân hàng trong khu vực để chống lại các “thiên đường trốn thuế”, gây thất thu hàng tỷ USD tiền thuế. Theo đó, các bên sẽ cung cấp thông tin người gửi cho cơ quan thuế vụ của các nước; trao đổi dữ liệu giữa các ngân hàng về các tài khoản tiết kiệm cá nhân cũng như tạo ra hệ thống tự động trao đổi dữ liệu về thuế…

Tháng 1/2016, Ủy ban châu Âu đã quyết định khởi động cuộc chiến chống trốn thuế tại các tập đoàn đa quốc gia bằng cách đưa ra Gói biện pháp chống các hành động trốn thuế (ATAP), gồm nhiều quy định, nhằm xây dựng một EU mạnh hơn và hợp tác hơn trong cuộc chiến chống lại hành vi gian lận thuế của các tập đoàn lớn.

Tháng 3/2016, một Hội nghị cấp Bộ trưởng đã được tổ chức để bàn về giải pháp ngăn chặn tình trạng các công ty lớn trốn tránh việc đóng góp phần thỏa đáng vào ngân khố quốc gia, trong đó yêu cầu từ năm 2016, các tập đoàn đa quốc gia phải công bố số liệu về doanh thu, lợi nhuận và thuế cho các cơ quan thuế của từng nước trong EU và những số liệu này sau đó sẽ được trao đổi giữa 28 quốc gia thành viên của Khối.

Tuy nhiên, chỉ sau vụ Panama, châu Âu mới ý thức được sự cấp bách của vấn đề và đã tích cực hợp tác để thống nhất các biện pháp cần thiết, lấp các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, hiện đang bị các tập đoàn lớn lợi dụng để trốn thuế. Theo đó, ngày 12/4, các biện pháp chống tình trạng gian lận thuế của các tập đoàn đa quốc gia đã được Ủy ban châu Âu trình Nghị viện châu Âu. Ủy ban châu Âu cũng đã chỉ đạo các quốc gia thành viên phải công bố các dữ liệu kế toán và thuế của các tập đoàn đa quốc gia hoặc doanh số, lợi nhuận, ngưỡng trần tính tiền thuế mà tập đoàn đa quốc gia phải nộp ở mỗi nước thành viên.

Tập đoàn đa quốc gia, bất kể đến từ quốc gia nào, nếu doanh thu lên trên 750 triệu Euro, sẽ phải công bố các thông tin về doanh số, kế toán và lợi nhuận. Lợi nhuận thu được ở quốc gia nào sẽ phải nộp thuế ở ngay đó. Tất cả những thông số này sẽ được các cơ quan thuế của các nước thành viên EU chia sẻ cho nhau một cách tự động. Các quốc gia cũng được yêu cầu phải tuân thủ một số tiêu chuẩn tối thiểu trong việc xây dựng quy định về thuế. Ngày 23/4, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên EU đã nhất trí triển khai thêm một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế.

Trong số các biện pháp, các bộ trưởng EU đề xuất lập một danh sách đen các “thiên đường trốn thuế” mà các công dân và tập đoàn của châu Âu lợi dụng để lách thuế, trốn thu trong thời gian ngắn tới.

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng ủng hộ đề xuất của các thành viên lớn gồm Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha về thiết lập cơ chế trao đổi dữ liệu, thông tin về các chủ nhân thực sự của các công ty, đồng thời thiết lập những quy định mới yêu cầu các công ty lớn hoạt động tại châu Âu công khai thu nhập từ các cơ sở của họ tại những nước thành viên liên minh.

Sau khi vụ rò rỉ Hồ sơ Panama phơi bày, Anh cùng với Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy ngày 15/4 cũng đã công bố một số quy định mới về minh bạch thuế để đối phó với vấn nạn trốn thuế, dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2017. Theo đó, các thông tin về chủ nhân thực sự của các công ty “vỏ bọc,” hay còn gọi là các công ty “lá chắn” và các quỹ tín thác hải ngoại, sẽ được chia sẻ một cách tự động.

Đây được coi là biện pháp đối phó với việc các tổ chức và cá nhân trốn thuế và che giấu tài sản ở những nơi được coi là “góc khuất” của hệ thống tài chính. Những nước này cũng hối thúc các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chấm dứt việc giữ bí mật thông tin về các công ty “ma” giúp tiếp tay cho hành vi trốn thuế.

Là quốc gia nằm trong tâm bão của hồ sơ Panama, Anh tuyên bố sẽ hợp tác với các đối tác châu Âu để xác định các cá nhân và tổ chức đứng đằng sau các công ty “vỏ bọc” và các quỹ tín thác - thường được sử dụng để trốn thuế, rửa tiền và tham nhũng.