Chế độ cho giáo viên hợp đồng, tính hưởng thế nào?
(Tài chính) Ông Nguyễn Công Thêm (nguyencongthem@...) đã có 9 năm làm giáo viên hợp đồng tại 1 trường cao đẳng nghề của tỉnh. Ông Thêm có trình độ đại học, hưởng lương hệ số 2,34, không có phụ cấp. Ông Thêm hỏi, ông có thuộc đối tượng được xét nâng bậc lương và các loại phụ cấp khác không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời các vấn đề ông Thêm hỏi như sau:
Trường hợp được xét nâng lương thường xuyên
Theo quy định tại điểm 4 Mục II Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì, người thực hiện chế độ hợp đồng tại đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng bảng lương hành chính do Nhà nước quy định để xếp lương theo ngạch; được nâng bậc lương theo thâm niên quy định; được hưởng các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…
Về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, điểm b1, khoản 1, Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định, thời gian giữ bậc theo các ngạch từ loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3 được thực hiện như sau: Cứ 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng lên một bậc lương.
Ngày 31/7/2013, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BNV hướng dẫn chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Theo điểm c, khoản 1, Điều 1 của Thông tư này, đối tượng và phạm vi điều chỉnh bao gồm cả những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điểm a, khoản 1, Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV hướng dẫn, thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Cụ thể, đối với trường hợp của ông Nguyễn Công Thêm, nếu hợp đồng ông ký kết với Trường Cao đẳng nghề là hợp đồng lao động và ông đã được xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP, đối chiếu các quy định viện dẫn nêu trên thì ông Thêm được xét nâng bậc lương thường xuyên như nhà giáo trong biên chế theo quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BNV.
Nhà giáo đang giảng dạy được hưởng phụ cấp ưu đãi
Theo Mục I Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thì nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp); đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) được hưởng phụ cấp ưu đãi.
Riêng đối tượng sau đây đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo cũng được hưởng phụ cấp ưu đãi, đó là: Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm.
Căn cứ các quy định nêu trên, nếu ông Thêm đang trực tiếp giảng dạy thì được hưởng phụ cấp ưu đãi. Cách tính mức phụ cấp ưu đãi được hưởng, phương thức chi trả và nguồn chi trả được quy định tại Mục II và Mục III của Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC.
Phụ cấp thâm niên tính cho nhà giáo trong biên chế
Đối với phụ cấp thâm niên nhà giáo, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo quy định, điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên là nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng).
Theo Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 54/2011/NĐ-CP, đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo là nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập.
Căn cứ hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, hiện nay ông Thêm là giáo viên hợp đồng, chưa được tuyển dụng vào viên chức, không phải là nhà giáo trong biên chế nên không thuộc đối tượng áp dụng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP. Khi nào được tuyển dụng vào viên chức, là nhà giáo trong biên chế thì thời gian ông Thêm đã trực tiếp giảng dạy theo hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại nhà trường sẽ được cộng dồn để tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo, thời điểm hưởng từ khi có quyết định tuyển dụng viên chức.