Chế độ hưởng trợ cấp tuất có thay đổi trong năm 2020
Với chính sách tiền lương mới, năm 2020, khoản trợ cấp tuất hàng tháng sẽ thay đổi.
Không chỉ chia sẻ rủi ro khi ốm đau, bệnh tật…. BHXH còn có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ thân nhân người lao động (NLĐ) khi NLĐ chết đi.
Điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng
Đối với NLĐ: Khoản 1, điều 67 Luật BHXH 2014 quy định, NLĐ thuộc một trong các trường hợp dưới đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng: Đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH 1 lần; Đang hưởng lương hưu; Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Đối với thân nhân NLĐ: Không phải bất cứ ai là thân nhân của những lao động nêu trên đều được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà họ chỉ được nhận khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2, điều 67 Luật BHXH 2014.
* Đối với con: Con chưa đủ 18 tuổi; Con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai.
* Đối với vợ hoặc chồng: Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; Vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Lưu ý, vợ hoặc chồng phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở.
* Đối với cha, mẹ: Cha/mẹ đẻ, cha đẻ của vợ/chồng, mẹ đẻ của vợ/chồng, thành viên khác trong gia đình mà NLĐ đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; Cha/mẹ đẻ, cha đẻ của vợ/chồng, mẹ đẻ của vợ/chồng, thành viên khác trong gia đình mà NLĐ đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Lưu ý: Cha/mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình mà NLĐ đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng cũng phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở.
Mức hưởng trợ cấp tuất hàng tháng
Mức trợ cấp này sẽ phụ thuộc vào việc thân nhân có người trực tiếp nuôi dưỡng hay không.
Theo đó, điều 68 Luật BHXH có nêu: Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
Cụ thể như sau:
* Trường hợp không có người trực tiếp nuôi dưỡng: Mức trợ cấp = 70% x Mức lương cơ sở. Từ 1-1-2020: Mức trợ cấp = 70% x 1.490.000 đồng/tháng = 1.043.000 đồng/tháng; Từ 1-7-2020: Mức trợ cấp = 70% x 1.600.000 đồng/tháng = 1.120.000 đồng/tháng.
* Trường hợp còn lại: Mức trợ cấp = 50% x Mức lương cơ sở. Từ 1-1-2020: Mức trợ cấp = 50% x 1.490.000 đồng/tháng = 745.000 đồng/tháng; Từ 1-7-2020: Mức trợ cấp = 50% x 1.600.000 đồng/tháng = 800.000 đồng/tháng.
Lưu ý: 1 người chết thì tối đa 4 người được hưởng trợ cấp; 2 người chết trở lên thì thân nhân được hưởng 2 lần mức trợ cấp nêu trên; Thời điểm hưởng trợ cấp là tháng liền kề sau tháng mà NLĐ chết. Trường hợp bố chết mà mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp của con tính từ tháng con được sinh ra.