Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới lên cao nhất 4,2 triệu đồng/lượng, rủi ro xuất hiện trên thị trường
Trong phiên giao dịch sáng ngày 27/11, giá vàng trong nước gần như không biến động so với mức chốt phiên ngày hôm qua, dao động quanh mốc 55 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng thế giới - trong nước hiện lên mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây, rủi ro cao xuất hiện trên thị trường.
Cụ thể, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại mức 54,5 triệu đồng/lượng (mua vào) – 55,00 triệu đồng/lượng (bán ra). Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội ở mức 54,45 triệu đồng/lượng (mua vào) - 54,95 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra so với mức giá cuối phiên giao dịch chiều qua.
Khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán tại thị trường trong nước hiện đã tăng lên 550.000 đồng/lượng, so với khoảng 400.000 đồng/lượng khi giá vàng lao dốc trong 2 ngày giao dịch vừa qua.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới vẫn đang được giao dịch quanh mức 1.811 -1.812 USD/ounce, không biến động nhiều so với phiên giao dịch hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD hiện được Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết thì giá vàng thế giới hiện tương đương 50,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn tới 4,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước hiện nay.
Giá vàng trong nướchiện đã xuống ngang mức 55 triệu đồng/lượng như hồi cách đây 2 tháng và giảm đến 5 triệu đồng/lượng so với mức giá kỷ lục hồi tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế hiện cũng ở mức cao nhất trong thời gian gần đây.
Lý do là giá vàng trong nước được điều chỉnh với tốc độ chậm hơn giá thế giới, khiến khoảng cách chênh lệch giá vàng trong – ngoài nước giãn rộng, gia tăng rủi ro trên thị trường. Do đó, dù giá vàng trong nước đã xuống thấp nhưng lượng mua – bán diễn ra ít, giới kinh doanh cũng dè dặt theo dõi thêm diễn biến thị trường.
Sau vài phiên giao dịch lao dốc, giá vàng thế giới hiện đang có các yếu tố nâng đỡ để trụ lại ngưỡng 1.800 USD/ounce. Trong đó, đồng USD đã bất ngờ sụt giảm mạnh trở lại, chỉ số USD Index – đo lường sự biến động của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm còn 92 điểm, mức thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây. Điều này đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng khi vàng được định giá bằng đồng USD.
Triển vọng phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ cũng lu mờ hơn khi các dữ liệu mới nhất cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ đã tăng 2 tuần liên tiếp. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ vẫn đang lan rộng, giới chức chính quyền nhiều tiểu bang đã buộc phải áp đặt các biện pháp kiểm soát di chuyển chặt chẽ cũng như hạn chế các hoạt động kinh doanh.
Giới đầu tư hiện kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Chính phủ Hoa Kỳ sẽ sớm tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế khi đại dịch Covid-19 kéo dài, qua đó tạo lực đẩy để giá vàng đi lên.
Mới đây, một số nhà nghiên cứu khoa học đã cảnh báo nghi ngờ các kết quả quá cao của các cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 và lo ngại 1 loại vaccine khó có thể giúp kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn cầu do các khác biệt về địa lý, chủng tộc, hệ miễn dịch…
Chuyên gia phân tích Carsten Fritsch từ ngân hàng Commerzbank nhận định dù vaccine Covid-19 sớm được tung ra thì nền kinh tế toàn cầu cũng khó phục hồi nhanh chóng, trong thời gian chờ đợi vaccine Covid-19 thì dịch bệnh vẫn tiếp tục tàn phá các nền kinh tế.
Do đó, các biện pháp kích thích mới có thể sẽ được thực hiện trong tương lai gần và điều này sẽ có lợi cho vàng. Theo dự báo, vàng sẽ được giao dịch trong khoảng từ 1.800 - 1.850 USD/ounce.