Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng trưởng trong khó khăn

PV.

Tuy tình hình sản xuất công nghiệp tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhưng tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP vẫn ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP vẫn ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu từ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành Khai khoáng giảm 2,4%; ngành Chế biến, chế tạo giảm 9,2%; ngành Sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%...

Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính vẫn tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, ngành Chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%), đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành Sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành Khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Trong bối cảnh khó khăn, trong tháng 8, một số địa phương vẫn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng với IIP dương. Điển hình như: TP. Hải Phòng tăng 21,2%, Hà Nam tăng 18,5%, Hải Dương tăng 17,8%, Quảng Ninh tăng 17,5%, Thái Bình tăng 15,8%, Nghệ An tăng 14,9%, Ninh Thuận tăng 14,2%... Ở chiều ngược lại, có nhiều địa phương giảm mạnh, trong đó riêng TP. Hồ Chí Minh – địa phương ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bùng phát đã giảm tới 49,2%.

Nhiều ý kiến cho rằng, lo ngại lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp là dịch bệnh COVID-19 có thể làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, nguồn nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, giá nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao trong những tháng đầu năm 2021 làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp...

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ vượt qua khó khăn do dịch bệnh như: khoanh, giãn nợ ngân hàng, giảm lãi suất, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất... Ngoài ra, sớm được tiếp cận nguồn vắc xin để tiêm phòng cho người lao động, để sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.