Chi trả tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Kinh nghiệm từ quốc tế

Theo Thanh Tâm/baocongthuong.vn

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới như Đức, Úc, Canada, Hoa Kỳ… bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) là biện pháp cơ bản để kiểm soát các rủi ro nghề nghiệp và hậu quả tài chính. Hơn thế, bảo hiểm TNLĐ còn cung cấp cho nạn nhân bị tai nạn và gia đình của họ phương tiện sinh hoạt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Là nước láng giềng, trong những năm qua, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế - xã hội. Song song với phát triển kinh tế, Trung Quốc rất quan tâm đến an sinh xã hội. Năm 1994, Luật Lao động tại quốc gia này đã được ban hành, nhằm điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, và cũng dành một chương riêng quy định về “Bảo hiểm xã hội và phúc lợi xã hội”.

Chi trả tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Kinh nghiệm từ quốc tế - Ảnh 1Tại Việt Nam, người sử dụng lao động đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương hàng tháng
 

Theo đó, hệ thống BHXH được cải tổ theo các nội dung: Bảo hiểm dưỡng lão, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm TNLĐ, BNN và bảo hiểm thai sản. Chính phủ Trung Quốc đã và đang có những nỗ lực trong việc thiết lập chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bao gồm: Phòng chống thương tích xảy ra trong lao động, bồi thường và phục hồi chức năng cho người lao động bị các thương tổn liên quan đến công việc.

Năm 2003, Hội đồng Nhà nước của Trung Quốc đã ban hành Điều lệ về bảo hiểm TNLĐ, có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2004. Theo quy định, tất cả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều phải tham gia và đóng phí bảo hiểm TNLĐ, BNN vĩnh viễn cũng như tạm thời cho toàn bộ người lao động của họ. Những đơn vị không tham gia chế độ TNLĐ, BNN, khi xảy ra TNLĐ, BNN thì đơn vị phải chịu trách nhiệm chi trả các chế độ như quy định trong Điều lệ.

Còn tại Thái Lan, cơ quan an sinh xã hội nước này chịu trách nhiệm thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động, bao gồm cả chế độ TNLĐ, BNN. Tất cả người lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, trường tư và nhân viên chính phủ thực hiện theo hệ thống riêng. Nguồn quỹ do người sử dụng lao động đóng góp, người lao động không phải đóng. Tỷ lệ đóng góp của người sử dụng lao động dao động từ 0,2 - 2% so với tổng quỹ lương, phụ thuộc vào tỷ lệ rủi ro. Tỷ lệ đóng góp được tính toán lại hàng năm, bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi đối với mỗi đơn vị tham gia.

Tại quốc gia này, người lao động khi tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN được bồi thường ở tất cả các mức thương tật; được trả các chi phí về y tế. Khi bị thương tật tạm thời hoặc bị thương tật vĩnh viễn thì được hưởng trợ cấp 1 lần hoặc hàng tháng (có quy định thời gian); được hưởng các dịch vụ phục hồi chức năng gồm điều trị y tế, mổ, nằm viện bao gồm cả trang thiết bị nếu như họ bị tàn tật do bị thương để giúp họ có thể trở nên độc lập về thể lực; đào tạo lại nghề. Còn khi bị chết thì người lao động được hưởng tiền mai táng phí; trợ cấp 1 lần; thân nhân người bị TNLĐ được nhận trợ cấp hàng tháng theo luật định.

Ở một số quốc gia thành viên EU như Đức, hệ thống bảo hiểm TNLĐ đầu tiên mang tên Berufsgenossenschaften được thành lập vào năm 1884. Trong hơn 100 năm, hệ thống bảo hiểm đã phát triển và cách tiếp cận mới đối với bảo hiểm tai nạn đã được phát triển ở các quốc gia khác nhau. Chương trình bảo hiểm trong các hệ thống bảo hiểm TNLĐ của Berufsgenossenschaften được hình thành từ đóng góp của người sử dụng lao động và lao động tự chủ.

Một số quốc gia khác, nhà nước cũng là người đóng góp, chẳng hạn như ở Pháp. Ở Đan Mạch, họ được tính toán dựa trên chi phí của các BNN trong ba năm trước và mức độ làm việc trong mỗi ngành hoạt động.

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm TNLĐ cho người lao động. Cách tính mức đóng căn cứ vào tần suất TNLĐ theo ngành, lĩnh vực (từ số liệu thống kê bảo hiểm xã hội) nhân với mức lương người sử dụng lao động đóng bảo hiểm cho người lao động.

Tại Việt Nam, theo Điều 44, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015: Người sử dụng lao động hàng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.