Chỉ trong chưa đầy nửa tháng, vốn điều lệ hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm hàng chục nghìn tỷ đồng
Chỉ với đợt tăng vốn của Techcombank và VPBank, hệ thống ngân hàng được bổ sung thêm 32.573 tỷ đồng vốn điều lệ.
Ngày 6/7, Techcombank đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 200%, thực hiện từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ mức 11.655 tỷ đồng lên 34.965 tỷ đồng. Với mức này, Techcombank trở thành 1 trong 3 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua BIDV (34.187 tỷ đồng) và chỉ đứng sau Vietcombank (35.977 tỷ đồng) và VietinBank (37.234 tỷ đồng).
Trước Techcombank, ngày 29/6 VPBank cũng đã phát hành thành công 925.649.857 cổ phần để nâng vốn điều lệ từ hơn 15.700 tỷ đồng lên 24.963 tỷ đồng. Trong đó, nhà băng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2017 theo tỷ lệ 30,2% và phát hành cổ phiếu từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần theo tỷ lệ 31,6%.
Đợt tăng vốn của 2 nhà băng trên là 2 đợt tăng vốn lớn nhất trong năm nay, bên cạnh kế hoạch BIDV (tăng 9.451 tỷ đồng lên 43.638 tỷ đồng), Vietcombank (tăng 4.000 tỷ đồng lên 40.000 tỷ đồng). Chỉ với Techcombank và VPBank, hệ thống ngân hàng được bổ sung thêm 32.573 tỷ đồng vốn điều lệ.
Mới đây, TPBank cũng có thông báo về việc hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 87,6 triệu cổ phiếu, theo đó vốn điều lệ của ngân hàng này đã tăng thêm 876 tỷ đồng lên mức 6.718 tỷ đồng. Theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên thông qua, ngân hàng này dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên 8.566 tỷ đồng trong năm nay. Bên cạnh đợt phát hành riêng lẻ vừa qua, dự kiến ngân hàng sẽ chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.
Ngoài các ngân hàng trên, ngày 9/7, MB cũng sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 2 năm 2017 với tỷ lệ 5% tương đương với 90,7 triệu cổ phiếu (907,7 tỷ đồng), đồng thời phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 14% tương đương 254,17 triệu cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần (828,17 tỷ đồng) và từ lợi nhuận chưa phân phối các năm trước (1.713 tỷ đồng). Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng cũng sẽ tăng từ 18.155 tỷ đồng lên 21.604 tỷ đồng.
OCB cũng vừa thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 12/7 để phát hành 169,95 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, phát hành 69,55 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 14,2%. Ngoài ra, chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 20,5%, giá bằng mệnh giá, thời gian đăng ký mua từ 18/7 đến 8/8. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ được nâng từ 5.000 tỷ đồng lên 6.699 tỷ đồng.
OCB đồng thời đã được NHNN chấp thuận tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng. Đợt tăng vốn từ 6.699 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng sẽ được thực hiện bằng việc phát hành riêng lẻ 800,5 tỷ đồng, khả năng cũng sẽ sớm được thực hiện trong quý III này vì nhà băng có kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE vào cuối quý III, đầu quý IV năm nay.
Nếu như các năm trước, đặt ra kế hoạch tăng vốn nhưng chưa thể thực hiện vì các ngân hàng còn nhiều khó khăn thì năm nay được kỳ vọng cao hơn. Kết quả kinh doanh khả quan, việc chi trả cổ tức cũng được cải thiện nhiều, cả về tỷ lệ lẫn thời gian thực hiện sớm hơn. Các đợt phát hành riêng lẻ cũng được nhiều nhà đầu tư ngoại chú ý.
Tuy vậy, đã bước qua quý II, ngoài một số ngân hàng như trên đã thực hiện kế hoạch tăng vốn thì còn một loạt nhà băng khác (ước khoảng 15 ngân hàng nữa) chưa có động tĩnh gì nên khả năng sẽ được đẩy mạnh trong 2 quý còn lại. Một lượng lớn cổ phiếu "vua" sẽ được đưa ra trong nửa cuối năm nay.
Tăng vốn là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh đòi hỏi các ngân hàng sớm tuân thủ tiêu chuẩn của Basel II để đảm bảo an toàn, quản trị rủi ro. Tuy nhiên, việc tăng vốn ồ ạt cũng là mối lo không nhỏ cho các cổ đông. Tăng vốn nhanh sẽ gây áp lực pha loãng cổ phiếu, khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) chậm lại, đồng nghĩa với hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của cổ phiếu ngân hàng vốn đã ở mức khá cao hiện nay tiếp tục tăng lên.