“Chìa khoá” thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Anh
Các doanh nghiệp muốn cạnh tranh tốt trên thị trường Anh và tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA cần kịp thời nắm bắt xu thế phát triển chung để bắt nhịp với đòi hỏi mới.
Tăng trưởng ấn tượng
Đóng góp vào kết quả tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua là những kết quả ấn tượng từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA). Nửa đầu năm 2022, dù gặp phải những biến động chính trị toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu hai chiều Việt Nam - Anh vẫn đạt gần 3,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD; tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Vương quốc Anh không phải là thị trường mới, trước đây đã nằm trong thị trường lớn là EU. Thế nhưng sau khi Anh rời khỏi EU và UKFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế đã “bật” lên rất mạnh như sắt thép. Điều này thể hiện năng lực cạnh tranh và sự chủ động tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường tốt hơn sau khi UKFTA có hiệu lực là hàng dệt may, da giày, thiết bị phụ tùng, nông sản... Đặc biệt, một số sản phẩm mới đang có triển vọng tăng trưởng là mặt hàng chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp cho thấy doanh nghiệp trong nước đã có tầm nhìn xa, sớm chuẩn bị để đưa hàng vào thị trường có sức mua lớn trên thế giới.
Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu sang Anh dự báo tiếp tục khả quan. TS. Võ Trí Thành thông tin: Anh là quốc gia đang có mong muốn gia nhập Hiệp định CTPPP mang lại cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh mạnh mẽ hơn.
Đánh giá về khả năng tiếp cận thị trường, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết: cùng với các cơ hội tăng trưởng xuất khẩu là thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá khó với doanh nghiệp. Từ lâu nhiều người vẫn lo ngại chất lượng hàng hoá hay những hàng rào kỹ thuật khắt khe của nước nhập khẩu có thể làm khó doanh nghiệp nhưng đó là câu chuyện cũ. Hàng rào kỹ thuật không mới, một số doanh nghiệp lớn đã khắc phục được; cái chính là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mới thâm nhập thị trường Anh sẽ cảm thấy khó, cần học tập kinh nghiệm của các nước đi trước và có cách tiếp cận phù hợp đều có thể vượt qua.
Đồng tình với quan điểm trên, từ những nghiên cứu về xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có thị trường EU, TS. Võ Trí Thành đánh giá: nhìn một cách tổng thể, phần nhiều các doanh nghiệp không quá lạ lẫm với hội nhập, xuất khẩu và các đối tác, trong đó có thị trường Anh. Một số vấn đề cố hữu của doanh nghiệp đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện.
Chủ động thích ứng, giảm thiểu rủi ro
Theo TS. Võ Trí Thành, các doanh nghiệp muốn cạnh tranh tốt trên thị trường Anh nói riêng và EU nói chung cần nắm bắt xu thế: xanh hơn, an toàn hơn, nhân văn hơn, cá tính hơn, sản phẩm tốt cho sức khoẻ hơn để bắt nhịp được đòi hỏi mới của cách thức tiêu dùng, lối sống. Ngoài ra, một vấn đề lớn trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định hiện nay doanh nghiệp cần quan tâm hơn là quản trị rủi ro.
"Chẳng hạn như câu chuyện tỷ giá, quản trị từ cách thức đàm phán, thoả thuận trong hợp đồng thanh toán theo đồng tiền nào, cách thức chuyển đổi đồng tiền thanh toán… để giảm thiểu biến động tỷ giá giữa những đồng tiền bất lợi. Cùng với đó, quản trị rủi ro liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng, kết nối nhà phân phối, xử lý tranh chấp… cần được doanh nghiệp quan tâm” - TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề quản trị rủi ro của doanh nghiệp, tham tán Nguyễn Cảnh Cường cho biết: Thương vụ đã nhận được những lời kêu cứu của doanh nghiệp Việt Nam sau khi bán hàng sang Anh nhưng không thu được tiền. Tìm hiểu kỹ vấn đề mới thấy, rủi ro này do thói quen, kỹ năng, năng lực quản trị rủi ro của doanh nghiệp Việt Nam tương đối yếu. Đơn cử là hợp đồng soạn thảo sơ sài do tin tưởng bạn hàng lâu năm, không có điều khoản an toàn về mặt thanh toán.
Tuy nhiên, sự biến động phức tạp của tình hình hiện nay cũng ảnh hưởng nhất định đến “sức khoẻ” tài chính của đối tác nhập khẩu khiến cho doanh nghiệp Việt có thể đối mặt với rủi ro. Đáng nói, rủi ro này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu quan tâm chú ý hoặc có thể nhờ thương vụ đánh giá, kiểm tra “sức khoẻ” tài chính, hỗ trợ phòng ngừa rủi ro.
Liên quan đến một số vấn đề cụ thể cần lưu tâm các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Anh, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, kể từ ngày 1/1/2023, hầu hết sản phẩm công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh buộc phải dán nhãn UKCA thay vì nhãn CE như trước đây. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng chuyển đổi. Thời gian đầu, việc thực hiện chuyển đổi có thể khó khăn nhưng dần dần doanh nghiệp sẽ quen. Thương vụ Việt Nam sẵn sàng kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan có liên quan tại Anh để hỗ trợ.
Một vấn đề khác, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể gặp khó khăn về thủ tục. Trước Brexit những nhà nhập khẩu lớn tại EU, nhất là những nước thành viên lớn, nhập hàng từ VN lớn sau đó phân phối tiếp các thị trường trong EU, trong đó có nước Anh; doanh nghiệp Việt Nam chỉ phải cấp một giấy chứng nhận xuất xứ cho tất cả.
Hiện nay, thủ tục phức tạp hơn. Doanh nghiệp Việt Nam cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo mẫu của EVFTA để hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA nhưng đến khi các nhà nhập khẩu của EU bán lại một phần cho các doanh nghiệp tại Anh thì CO đó không sử dụng được và phải thực hiện mẫu CO mới. Điều này khiến cho nhà nhập khẩu tại EU cảm thấy phiền phức, mất thời gian và hạn chế khả năng linh hoạt. Nhập hàng vào EU theo mẫu CO của EVFTA nhưng bán sang Anh không được hưởng ưu đãi thuế quan, ngược lại còn phải nộp thuế. Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng, các cơ quan chức năng tại Việt Nam cần giúp các doanh nghiệp vượt qua trở ngại về giấy tờ để hoạt động thương mại lưu thông tốt, doanh nghiệp được hưởng lợi từ các FTA.